Chúng tôi đã trải qua một chặng đường dài trong công tác truyền thông hướng tới ngày Hội trọng đại. Đằng đẵng 4 tháng, biết bao gương mặt thầy cô, nhân viên và học sinh nhà trường đã được giới thiệu, gợi nhắc lại tới những người quan tâm tới ngôi trường. Thế nhưng, suốt quãng thời gian đó, trong chúng tôi không ngừng khấp khởi, ấp ủ một chuyến đi đặc biệt: chuyến thăm tới cô Nguyễn Thị Bạch Vân, nhà giáo ưu tú, nguyên hiệu trường đầu tiên của trường PTNK Hải Hưng- THPT chuyên Nguyễn Trãi.
Ngay từ cuộc điện thoại sắp xếp chuyến thăm, tôi đã ấn tượng bởi sự minh mẫn cùng giọng nói sang sảng của cô. Có lẽ bởi sự hồi hộp mà tôi đã nói nhầm 30 năm thành lập trường thành 50 năm, nhưng cô đã nhẹ nhàng nhắc lại ngay “Không, 30 năm chứ…” Cô còn chỉ đường cho chúng tôi sao cho nhanh và thuận tiện. Rồi chúng tôi cũng đã tới được ngôi nhà nơi cô đang ở. Một ngôi nhà không lớn nhưng đặt giữa biết bao cây cối cùng hoa cỏ xanh mát, tạo một bầu không khí trong lành, yên tĩnh giữa sự ồn ào ngoài kia của đất thủ đô. Bước vào trong căn nhà, chúng tôi bị choáng ngợp bởi sự ấm cúng của phòng khách nhờ những tấm hình của cô vui vầy bên ông và con cháu. Còn cô, cô trông gầy lắm, tóc cô cũng đã thật bạc; nhưng ấn tượng về sự minh mẫn của cô thì không hề phai nhạt trong tôi. Vẫn là những khó trong giai đoạn đầu thành lập trường từ cơ sở vật chất tới nguồn nhân lực nhưng lời kể, tưởng chừng chỉ có kể khó kể khổ ấy, nặng trĩu một tình thương, tình yêu của người chèo lái đầu tiên của trường. Cô thương học trò phải học trong cảnh “nửa công trường, nửa học đường”. Cô thương những buổi tối học sinh phải ra chở cát, chở gạch về để xây trường. Trong hoàn cảnh khó khăn, tất cả cần phải làm là vượt qua. Cô cảm kích lắm sự sẵn sàng giúp đỡ của Sở, của Ủy ban tỉnh khi trường phải tiếp đón khách mà không điều kiện vật chất, ngay cả khu nhà vệ sinh tử tế. Cô vẫn còn nhớ như in hình ảnh của người phụ huynh năm nào không quản ngại đường sá xa xôi, ngày ngày tới phụ giúp xây trường. Tôi có thể mường tượng ra được hình ảnh của một người hiệu trưởng trong cái cảnh khốn khó đủ đường lúc đầu, lo lắng, đôn đáo nhưng ngập tràn trong sự hạnh phúc khi vượt qua được hết khó khăn này đến khó khăn khác.
Vợ chồng cô Bạch Vân tại nhà riêng ở Hà Nội
“Qua cơn bĩ cực, đến hồi thái lai”…Tôi chắc chắn không được sống và học ở thời cô kể, cũng không học tại ngôi trường gần hồ Bạch Đằng mà bước vào trường khi trường đã chuyển tới địa điểm hiện tại trên đường Nguyễn Văn Linh đã được 4 năm. Lên đại học, tôi tự hào khoe với chúng bạn ảnh trường mình, khiến chúng nó phải trầm trồ: “Chuyên Nguyễn Trãi đẹp và rộng quá…” Sau một thời gian có cơ hội được quay ngược trở về quá khứ, tôi đã đủ tự tin để cho phép mình tự hào trước mọi người một hình ảnh khác của trường tôi.
Tiếp đón chúng tôi còn có ông, ông cùng cô chia sẻ về những điều hạnh phúc giản dị trong cuộc sống: ngày ông đi lính và lập gia đình cùng cô, sự trưởng thành và thành đạt của những người con, người cháu rồi những chuyến du lịch gia đình… Chắc chắn, chúng tôi không phải là những cựu học sinh đầu tiên hay hiếm hoi có cơ hội được tới thăm cô. Đã có rất nhiều cô chú, anh chị được học cô, được cô dìu dắt thường xuyên tới thăm cô vào những dịp lễ Tết hay ngày hiến chương các nhà giáo Việt Nam. Tuy nhiên, tôi tin rằng, chuyến thăm cùng bài viết này có giá trị với rất nhiều thế hệ học sinh. Đó là những người đang công tác, sinh sống ở rất xa, khó có thể tới thăm cô. Và đặc biệt, đó là những thế hệ trẻ được sống và học tập trong điều kiện hiện đại hơn rất nhiều ngày trước như chúng tôi. Quả thực, những dịp kỉ niệm thành lập trường, không chỉ đơn thuần là cơ hội để chúng ta khẳng định số tuổi của trường mà còn là cơ hội để chúng ta hướng về nguồn cội, nhớ lại và tri ân tới những người xây nên nền móng vững chắc để THPT chuyên Nguyễn Trãi lớn mạnh hơn từng ngày.
Nguồn: Ban Truyền thông Hội cựu học sinh
Tác giả: Đinh Hạnh