Xe khách chạy băng qua những con đường làng, tiếng bánh xe nghiến trên mặt đường nhựa nghe thật khô khốc và nặng trĩu. Hai bên cửa sổ chỉ toàn là đồng ruộng nâu thẫm, lác đác vài cây bông gòn trụi lá đứng lặng lẽ giữa khoảng trời mờ sương. Tôi lặng lẽ kéo cửa kính xuống để có thể ngửi được mùi hương quê ấy - mùi rơm rạ ngai ngái. Quê tôi bình yên và tĩnh lặng đến mức chỉ cần nhắm mắt lại cũng có thể hình dung ra từng con hẻm nhỏ, từng mái nhà lợp tôn bạc màu, từng khóm cúc vàng bên hiên nhà ai đó đang lặng lẽ đón xuân.
Tôi đã không về quê năm ngoái.
Khi ấy, tôi cứ nghĩ rằng một cái Tết xa nhà cũng không sao. Chỉ cần một cuộc điện thoại chúc Tết mẹ, chỉ cần gửi ít tiền lì xì về cho mấy đứa em thì mọi thứ vẫn sẽ ổn. Nhưng hóa ra không phải. Tết năm ấy thành phố vắng hoe, những con phố quen thuộc đột nhiên trở nên lạ lẫm và vắng bóng. Tôi dạo bước trên ven đường xuân thấy người ta ôm những chậu đào về nhà và cả những đứa trẻ lon ton theo sau ba mẹ đi sắm sửa khiến lòng tôi chợt trống rỗng.
Đêm giao thừa, tôi ngồi trước màn hình điện thoại nhìn mẹ cười hiền trong ánh đèn vàng ấm áp, phía sau là góc bếp nhỏ - nơi mẹ đang nấu một nồi thịt kho trứng y như mọi năm. Mẹ hỏi đầy đầm ấm:
- Ngoài đó có lạnh không con?
Tôi gật đầu nhưng không dám nói thêm gì nữa vì sợ rằng chỉ cần trả lời mẹ, tôi sẽ không thể kiềm được những giọt nước mắt đang chực trào lăn dài trên má.
Năm nay, tôi nhất định phải về.
Mẹ đón tôi trước cổng. Khi nhìn thấy mẹ, tôi có thể cảm nhận được đôi mắt ấy ánh lên niềm vui nhưng vẫn giấu trong đó chút gì như trách móc. Tóc mẹ hình như đã bạc thêm vài sợi. Tôi chưa kịp nói gì thì mẹ đã đưa tay vỗ nhẹ lên vai rồi lặng lẽ xách giúp tôi cái túi nặng trĩu.
Gian nhà cũ vẫn vậy, như chưa từng có ai rời đi. Trên bàn là đĩa mứt dừa mẹ tự tay làm, bên góc nhà là chậu mai vàng lấm tấm nụ. Tôi đi quanh một vòng chạm tay vào những thứ quen thuộc, cảm giác như vừa chạm vào một miền ký ức. Ở thành phố, tôi có một căn phòng trọ nhỏ đủ để sống nhưng nó không có hơi ấm của một căn bếp quen, không có chiếc giường mẹ vẫn hay dặn tôi “đắp chăn kẻo lạnh”, không có góc hiên mỗi chiều Tết ngồi bóc hạt dưa cùng ba.
Chiều ba mươi, tôi theo mẹ ra chợ Tết. Chợ quê vẫn đông như mọi năm, người ta chen chúc nhau bên những sạp hàng, ai cũng vội vã mua sắm cho kịp cái Tết đang cận kề. Những chiếc xe đạp chở đầy hoa cúc, hoa vạn thọ dựng thành từng hàng dài bên lề đường. Tiếng cười nói lao xao giữa tiết trời se lạnh dường như khiến cho không khí ấm cúng hơn bao giờ hết. Tôi lặng lẽ bước bên cạnh mẹ, cảm giác như mình vừa lạc vào một vùng ký ức cũ - nơi một đứa trẻ từng háo hức chạy lon ton theo sau mẹ, giật lấy cành mai nhỏ xíu để hớn hở khoe rằng “Mai năm nay đẹp lắm mẹ ơi!”
Bây giờ, đứa trẻ ấy đã lớn nhưng vẫn bồi hồi như ngày nào.
Tối ba mươi, nhà tôi làm mâm cơm cúng tổ tiên. Năm ngoái, tôi cũng có một bữa cơm tất niên nhưng là một hộp cơm nguội ăn vội trong phòng trọ. Khi ấy, tôi cứ nghĩ mình đã quen với những ngày tháng một mình nhưng đến khi đặt đũa xuống, tôi mới biết không có bữa cơm nào lấp đầy được khoảng trống của những ngày xa nhà.
Mẹ nhìn tôi, khẽ nói:
- Năm nay về được là tốt rồi con.
Tôi gật đầu, mắt cay xè.
Đêm giao thừa, tôi bước ra hiên đứng cạnh mẹ nhìn pháo hoa rực rỡ trên nền trời đêm. Tiếng pháo vang vọng, bừng sáng rồi vụt tắt. Tôi chợt nhận ra dù đi xa đến đâu, dù trưởng thành đến mức nào nhưng mỗi khi Tết đến, lòng tôi vẫn chỉ mong được trở về nhà, đứng cạnh mẹ như thế này và lặng lẽ cảm nhận một cái Tết trọn vẹn.
Tác giả: Nguyễn Ngọc Diệp