Nhắc đến ngày Tết, mọi người ai cũng nghĩ đến nào là đào, mai, quất; nào là bánh chưng xanh, các món ăn Tết, phong bao lì xì,… Nhưng mỗi khi đến Tết chúng ta còn có những truyền thống văn hóa khác cũng đặc sắc và có giá trị không kém.
1.Khai bút
Đối với học sinh chúng ta, đặc biệt là những sĩ tử đang phải đối mặt với những kì thi lớn trong cuộc đời thì việc khai bút là không thể thiếu.
Từ xa xưa, ở nước ta sự học đã vô cùng phát triển và được đề cao. Khi ấy ông bà ta quan niệm rằng chữ nghĩa là thứ vô giá, vì vậy vào đầu năm mới những tri thức đều viết chữ để lấy may mắn, mong ước điều tốt đẹp cho năm mới. Những chữ “khai bút đầu xuân” có thể là chữ do người viết tự nghĩ ra, tên họ quê quán của người viết, một vài nét tùy bút, cũng có thể những dòng mong muốn, mong ước cho gia đình, người thân,… Từ đó tục khai bút đầu xuân ra đời và tồn tại đến ngày nay.
Tuy không phải là một trong những tục lệ ngày Tết bắt buộc nhưng đối với những người làm nghề viết lách, những gia đình có con sắp thi cử thì khai bút vô cùng được chú trọng. Nó vừa là nét đẹp văn hóa vừa là phương tiện để con người bày tỏ những mong muốn tốt đẹp, thi cử học hành đỗ đạt, thuận lợi. Hơn cả, khai bút đầu xuân là tục lệ đề cao sự học, tôn sư trọng đạo, nhắc nhở con người về truyền thống dân tộc và đạo học trong cuộc đời.
Thường thì mọi người sẽ khai bút vào đêm giao thừa. Nhưng với một số người thì ngày giờ khai bút là một yếu tố rất quan trọng vì nó ảnh hưởng đến tài lộc, may mắn, tốt lành vì thế họ phải xem trước thời gian để đặt bút.
2. Xin chữ ngày Tết
Gắn với truyền thống khai bút là tục xin chữ ngày Tết.
Khi xưa vào dịp Tết những học sĩ mỗi khi đến thăm đều được thầy đồ tự tay viết tặng những dòng chữ nhắn nhủ mang ý nghĩa riêng. Những dòng chữ đó được họ coi như vật trân quý và cất giữ cẩn thận. Từ đó, vào ngày Tết mọi người đến chỗ ông đồ xin chữ để cầu may mắn, đỗ đạt.
Văn hóa xin chữ là một nét đẹp đáng quý dân tộc. Tuy nhiên, hiện nay nó đang dần bị mai một. Chúng ta cũng rất khó khăn để tìm được những ông đồ để xin chữ vì số lượng người biết chữ Nho và thành thục thư pháp không nhiều, chỉ ở một số đền, chùa mới có.
Hiện nay, khi đi xin chữ mọi người thường xin thầy đồ viết thêm một câu nói ý nghĩa gắn liền với chữ ấy. Mỗi một chữ mang cho mình một ý nghĩa riêng. Những người sắp thi cử thường xin chữ Đỗ, Đạt, Thành,... Những người làm ăn kinh doanh chọn cho mình chữ Tuệ, Minh, Tài, Cát,… Những phụ nữ có gia đình thích các chữ Tâm, Nhân, Phúc, Hậu, Hiền,… Tùy đối tượng và mong muốn, mọi người có thể xin chữ phù hợp với ước nguyện của bản thân. Ngoài ra nhiều người còn xin chữ dựa theo tuổi tác của mình.
Tác giả: Hương Giang