Tích tắc, tích tắc, chuông đồng hồ đã điểm 12h đêm. Khoảnh khắc giao thừa đến rồi. Từng chùm pháo hoa vút lên cao rồi nở rực rỡ trên trời đêm. Cả đất, cả trời và cả con người đều đang rạo rực trong giây phút sang canh, trong khi thế gian đang chuyển mình sang một năm mới. Khoác chiếc áo dày cộm lên người, trùm mũ lông lên kín mít, tôi nhón chân bước ra khỏi cửa, hòa vào dòng người tấp nập đón xuân ngoài kia, mặc cái rét ngọt vẫn thấm đẫm trong không gian.
Các con đường, hè phố, ngõ nhỏ đều ních chặt người. Ai ai cũng đang vui mừng, nôn nao, náo nức khi năm mới gõ cửa, nhưng lòng tôi chợt se lại khi nhìn thấy những bóng dáng nhỏ nhắn, đang miệt mài quét rác. Bộ áo xanh cùng những vệt vàng phản quang quen thuộc đang khẽ đưa chiếc chổi tre nhịp nhàng. Sau tấm lưng nhỏ bé mà mang vẻ khắc khổ của cô lao công, con phố dài đã sạch sẽ, tinh tươm, như được khoác áo mới. Trái ngược, đoạn đường phía trước, túi nilon, bã mía,... vẫn vun từng đống cao, cao hơn mọi ngày. Bên cạnh cô, từng chiếc xe sang trọng cứ vút qua mà chẳng ai để ý đến một người đang cặm cụi quét rác...
Đã giao thừa rồi, vậy mà các cô chú lao công vẫn chưa được nghỉ ngơi. Họ miệt mài với công việc của mình, cần cù giữ cho phố phường sạch đẹp. Họ cũng có gia đình riêng, có cuộc sống riêng. Chắc hẳn, đâu đó, vẫn có một ông chồng đang ngóng vợ về, có đứa trẻ đang hóng mẹ hay một bà vợ đang chờ chồng. Thế đó, những người lao công đã cao cả hy sinh hạnh phúc riêng tư của mình để giúp phố phường bừng sáng đón xuân. Mặc ai vô tư cười đùa, mặc gió rét cắt da cắt thịt, mặc cây cối rung lên từng đợt, họ cứ trung thành với công việc của mình. Họ gạt bỏ những việc riêng sang bên, “gà, bánh trái, hoa quả cũng phải sắm từ trước Tết nửa tháng”, mà hết lòng với công việc của mình.
Cần mẫn, tận tụy là vậy nhưng những cô chú lao công vẫn phải chịu nhiều sự kỳ thị từ người đời, hay bị gây khó dễ khi đang làm nhiệm vụ. Họ bị kỳ thị, xa lánh chỉ vì đi quét rác, ngày ngày ở bên những thứ bốc mùi, bẩn thỉu. Họ bị khinh bỉ vì công việc họ làm bị coi là “thấp kém”. Thật nực cười! Có những thanh niên đáng tuổi con cháu của những cô chú lao công luôn gọi trống không: “Rác ơi...” mỗi khi thấy họ đến gần. Có kẻ lại vô ý thức xả rác bừa bãi ngay khi cô lao công vừa dọn dẹp xong xuôi, tươm tất. “Buồn lắm, tủi lắm cháu ơi, nhưng bọn cô vẫn phải cố.” Đó là những lời nói nghẹn ngào của một cô lao công tôi từng giúp đỡ. Thật cay đắng!
Năm Mậu Tuất đã đến, hy vọng các cô chú lao công sẽ đón nhận được nhiều hạnh phúc, sức khỏe và niềm vui. Hy vọng trong năm mới, sẽ không còn những cay đắng, tủi thân, sẽ bớt đi những vất vả, khó nhọc. Cảm ơn các cô các chú thật nhiều, những người hùng thầm lặng, góp sức mình làm đẹp phố xá, quê hương.
Tác giả: Còi