Thứ Hai. Mở mắt. 6h20. Vội vã bật ngay dậy mặc cho không khí lạnh len lỏi qua lớp chăn ấm khiến tôi rùng mình một cái. Lao vào nhà vệ sinh. Khi đã định thần trước gương, tôi mới giật mình: Hôm nay là kì nghỉ Tết. Thế đấy, Tết đến rất gần rồi mà tôi thi thoảng vẫn còn quên mất.
Biết gì chưa: Tết đến rồi!
28 Tết, tôi dạo quanh chợ hoa. Những người bán hàng đang đứng vẩn vơ mỗi khi thấy khách lại gần lập tức mời chào, nức nở khen hoa tươi, hoa đẹp. Tôi nhìn mấy cành hoa, và tôi đoán mấy vị khách kia cũng biết: Hoa nở quá độ rồi. Dù đoàn người đi chợ hoa cứ ngày một đông, những cành hoa vẫn nằm im ở đó. Nghề trồng hoa là thế đấy. Chăm bẵm cả năm trời, lo bão, lo hạn, lo trời, lo đất, bao nhiêu công sức dồn vào nhưng nhận được có đáng là bao. Mà người mua thì mấy ai thấu? Họ biết nhiều hàng hoa hay thét giá ngất trời, họ biết họ không đủ tiền mua cành đẹp nhất, thế là họ đợi đến đêm cuối cùng để rước về cái giá rẻ bèo như cho. Không chịu thì bán cho ai đây, mà chịu thì ai để người trồng hoa được sống. Thương nhau đành để trong lòng, tôi cũng chẳng biết làm thế nào để giúp người ta. Những người mang mùa xuân về đây, lại bị mùa xuân lãng quên mất hút.
Tiếc xót ruột nhưng không ai mua thì đành vứt đi…
Ngày 29, anh họ tôi đi du học nhắn Tết này không về được. Đã 3 năm anh không về. Có lần gọi video, anh khóc, nói chỉ ước được ăn một cái Tết với cha mẹ, gặp mặt gia đình cho đỡ nhớ. Ai cũng khóc. Ai cũng thương. Mùi vị cái bánh chưng, xôi gấc đỏ, giò lụa, thịt gà… ở nhà ăn đến phát ngán thì anh chẳng thể có được một chút. Cái ước mơ giản dị đơn thuần ấy, đối với anh sao mà xa vời đến thế? Những đứa con phương xa, thiếu thốn gia đình, thiếu thốn phong tục cổ truyền, thiếu thốn chút nắng chút gió mùa xuân quê hương. Này ai có phép màu, hãy chở giùm hương vị ngày Tết thấm đượm tình thân vượt nửa vòng trái đất gửi đến cho anh.
Những người xa nhà khao khát mâm cơm ngày Tết ấy biết nhường nào
Đêm 30, bố thường hay chở cả nhà đi ngắm pháo hoa. 11h đêm, vẫn còn những người bán bóng, bán mía đầy đường, giọng đã lạc hẳn đi. Bố mua một quả bóng bay 20 nghìn đồng, biết thừa là đắt nhưng vẫn bảo: “Vài nghìn lẻ đáng là bao, mua cho họ nhanh hết còn về nhà đón năm mới.” Tôi nhìn người đàn ông đã luống tuổi, trên tay là chùm bóng bay đứng cạnh chiếc xe đạp gỉ sét toàn bộ. Bên cạnh ấy, một đám bạn trẻ cũng bán bóng bay, váy quần đẹp đẽ đang chào mời người mua. Các bạn à, đừng khiến họ thêm khó khăn có được không? Hãy về với gia đình đi, để những người nghèo khổ kia cũng được về với gia đình nữa.
Giao thừa sắp đến rồi, mà ngặt nỗi vì kế sinh nhai…
Mùng 2 Tết, một vài quán hàng ăn đã mở cửa trở lại. Cả nhà đi chúc Tết qua một hàng ăn sáng, mẹ hỏi thăm: “Năm mới mà bác dọn hàng sớm thế?” Bà chủ cười nheo nheo: “Khổ nỗi cả nhà trông vào cái hàng này, nghỉ như người ta thì có mà chết đói hết với nhau.” Tự nhiên bà quay đi, không cười nữa. Tôi thấy trong đôi mắt của người phụ nữ lam lũ hơn nửa đời người ấy có cái gì nhói lòng đến lạ. Tết đấy, vui đấy, nhưng hình như đâu đó vẫn còn những nụ cười ẩn chứa xót xa.
Đầu năm mới, ai mà chẳng muốn được thảnh thơi đi đây đó
Người lạ ơi, hãy về nhà đi!
Về với tình thân gắn bó, về với bữa cơm ấm lòng, về với dư vị ngày xuân ắp đầy trong từng khoảng khắc. Ngoài kia có biết bao người chưa có được cái Tết trọn vẹn, vậy thì tại sao ta lại bỏ phí những phút giây quý giá này. Ngày Tết, đừng đóng chặt cửa phòng. Ngày Tết, hãy cất điện thoại đi. Ngày Tết, cười thật nhiều thật tươi. Một năm 365 ngày, một ngày 24 tiếng, bạn dành bao nhiêu thời gian cho gia đình? Hãy để Tết này không còn lạnh nữa, vì đã có tình thân sưởi ấm ta rồi, luôn luôn nuôi dưỡng tình thân bằng những nhịp đập nồng cháy. Và hãy để tình thân như dây lạt, đan cài buộc chặt, siết lại yêu thương, để Tết này tất cả chúng ta gần nhau hơn, chẳng còn ai đơn độc.
“Ơn đời một thoáng bình minh
Xuân về vui ấm cả tình nhân gian..!”
Tác giả: Đan Tâm