Nếu như Toán học sáng tạo ra thế giới

thì Công nghệ thông tin làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

 

Trong bài viết này tôi sẽ giới thiệu về ngành Công nghệ thông tin (CNTT), tình hình tuyển sinh và đào tạo ngành CNTT tại một số trường đại học hàng đầu ở Việt Nam, cũng như cơ hội nghề nghiệp cho các bạn sinh viên tốt nghiệp ngành này.

1. Giới thiệu về ngành CNTT

Công nghệ thông tin (CNTT), trong tiếng Anh là Information Technology (IT), là một ngành kỹ thuật sử dụng máy tínhphần mềm máy tính để thu thập, chuyển đổi, bảo vệ, xử lý, lưu trữ, và truyền tải thông tin. Ngành công nghệ thông tin đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của khoa học, kinh tế, xã hội trong nhiều thập kỷ qua và đặc biệt quan trọng trong những thập kỷ tới. Sự phổ biến của máy tính cá nhân cùng với việc ra đời mạng Internet toàn cầu vào những năm 90 của thế kỷ trước đã thay đổi hoàn toàn cách thức con người làm việc, học tập, và giao tiếp.

Nghị quyết số 49/CP của Chính phủ năm 1993 về phát triển Công nghệ thông tin ở nước ta có ghi: “Công nghệ thông tin là tập hợp các phương pháp khoa học, các phương tiện và công cụ kĩ thuật hiện đại - chủ yếu là kĩ thuật máy tính và viễn thông - nhằm tổ chức khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn tài nguyên thông tin rất phong phú và tiềm năng trong mọi lĩnh vực hoạt động của con người và xã hội”. Mặc dù được đưa ra cách đây gần 30 năm, định nghĩa này theo tôi vẫn rất phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Như vậy ngành CNTT có thể hiểu ngắn gọn là ngành khoa học, kỹ thuật, liên quan tới việc xử dụng máy tính để xử lý thông tin (một cách hiệu quả). Do đó ngành này trên thế giới đa phần được gọi với tên Khoa học máy tính (Computer Science), hoặc Khoa học thông tin (Information Science), trong đó máy tính là công cụ còn thông tin là đối tượng. Rất ít nước sử dụng thuật ngữ Công nghệ thông tin (Information Technology) như Việt Nam chúng ta.

Về đại thể, ngành CNTT bao gồm một số chuyên ngành sau:

- Khoa học máy tính (Computer Science): Như đã nói ở trên, chuyên ngành Khoa học máy tính rất rộng, bao gồm hầu hết các mảng kiến thức về CNTT. Ở Việt Nam, chuyên ngành này bao gồm các mảng kiến thức về cấu tạo máy tính (kiến trúc máy tính, vi xử lý), các phần mềm điều khiển, quản lý hoạt động của máy tính (hệ điều hành, hệ thống nhúng), các thuật toán, các ngôn ngữ lập trình, các phương pháp phân tích, xử lý dữ liệu, các phương pháp xây dựng các hệ thống thông minh (trí tuệ nhân tạo), v.v.

- Công nghệ phần mềm (Software Engineering): Chuyên ngành này bao gồm các mảng kiến thức về xây dựng phần mềm như quy trình phát triển phần mềm, phân tích thiết kế phần mềm, kiểm thử đánh giá phần mềm, đảm bảo chất lượng phần mềm, quản lý dự án phần mềm, v.v.

- Hệ thống thông tin (Information Systems): Chuyên ngành này bao gồm các mảng kiến thức về tổ chức lưu trữ thông tin (cơ sở dữ liệu, hệ thống phân tán), phân tích thiết kế hệ thống thông tin, các phương pháp truyền tải thông tin (mạng máy tính), xây dựng hệ thống thông tin trong doanh nghiệp, v.v.

- An toàn thông tin (Information Security): Chuyên ngành này bao gồm các mảng kiến thức về mã hóa và giải mã thông tin (mật mã học), các phương pháp phát triển phần mềm an toàn, các phương pháp xây dựng hệ thống thông tin, hệ thống mạng an toàn, các phương pháp phát hiện và phòng chống tấn công trên mạng hoặc hệ thống thống tin, v.v.  

- Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence): Trí tuệ nhân tạo thường được xếp trong chuyên ngành Khoa học máy tính. Tuy nhiên với sự phát triển mạnh mẽ và có nhiều ứng dụng đột phát trong những năm gần đây, ở nhiều nơi Trí tuệ nhân tạo đã được coi là một chuyên ngành riêng. Chuyên ngành này nghiên cứu các phương pháp, kỹ thuật xây dựng các phần mềm, hệ thống thông minh, bao gồm các lĩnh vực như phân tích và xử lý văn bản (xử lý ngôn ngữ tự nhiên), phân tích và xử lý hình ảnh và video (thị giác máy tính), dạy cho máy tính học tập (học máy), phân tích và khai phá dữ liệu, chuẩn đoán bệnh, v.v.  

2. Tại sao nên chọn ngành CNTT?

Có rất nhiều lý do nên chọn ngành CNTT:

- Ngành học năng động và sáng tạo: Với việc kiến thức thường xuyên được thay đổi và cập nhật, đây thực sự là ngành học của các bạn trẻ năng động và sáng tạo. Các bạn sẽ có nhiều cơ hội để đưa các ý tưởng của mình vào cuộc sống, thay đổi thế giới.

- Mức thu nhập hấp dẫn: Phần lớn các tỷ phú tự thân đều làm việc trong lĩnh vực CNTT và thường trở thành tỷ phú khi còn rất trẻ như Jeff Bezos (Amazon), Bill Gates (Microsoft), Larry Ellison (Oracle), Mark Zuckerberg (Facebook), Larry Page (Google). Bạn nghĩ sao nếu một ngày mình có thể giống họ? Cơ hội làm giầu là rất lớn, ít nhất bạn cũng sẽ có mức thu nhập gấp 2-3 lần các ngành nghề phổ biến khác. 

- Cơ hội nghề nghiệp rộng mở: Theo TopDev, công ty khảo sát về nhân lực ngành CNTT, nhu cầu nhân lực ngành này tăng mạnh trên 50% mỗi năm. Hiện nay Việt Nam thiếu khoảng 90 nghìn nhân lực CNTT, và tới năm 2021 con số này vào khoảng 190 nghìn. Nếu bạn học hành nghiêm túc, các công ty sẽ cấp học bổng và săn đón bạn ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

- Ngành học của xu thế và thời đại: CNTT là ngành học của thời nay và của mai sau. Tất cả mọi ngành nghề, lĩnh vực hoạt động, sản xuất kinh doanh hiện nay đều cần đến sự có mặt của công nghệ thông tin. Từ khoa học cơ bản (CNTT giải quyết các bài toán, vật lý, hóa học, sinh học), sản xuất thủ công (quản lý, quảng cáo), đến các ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, du lịch. Trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch Covid-19 vừa qua, vai trò của CNTT càng được nhìn nhận, đánh giá chính xác hơn.

3. Để học tốt ngành CNTT

Để học tốt ngành CNTT theo tôi có 3 yếu tố then chốt:

- Toán học và khả năng tư duy: CNTT là ngành học đòi hỏi khả năng tư duy logic cao, do đó một nền tảng toán học tốt sẽ là bước khởi đầu tuyệt vời cho ngành này.

- Tiếng Anh: Ngày nay tiếng Anh được coi là ngôn ngữ khoa học quốc tế. Tiếng Anh ở khắp mọi nơi. Nếu bạn giỏi tiếng Anh thì thật là lý tưởng, ngược lại, hãy bắt đầu cải thiện ngay từ hôm nay.

- Đam mê: Đam mê là điều kiện cần để thành công trong hầu hết các lĩnh vực, riêng với CNTT thì nó càng đúng. Tuy nhiên để gây dựng và duy trì sự đam mê trong thời gian dài là điều nói dễ hơn làm. Tối thiểu bạn cần sự kiên trì và chăm chỉ.

4. Đào tạo CNTT tại một số trường đại học Việt Nam

Hiện nay hầu hết các trường đại học ở Hà Nội đều đào tạo ngành CNTT. Thậm chí các trường đại học không có truyền thống về ngành này cũng đã mở rộng và coi CNTT là ngành đào tạo chủ chốt của mình. Trong phần này, tôi giới thiệu 3 trường đào tạo CNTT được coi là tốt (điểm chuẩn cao nhất) ở khu vực Hà Nội, bao gồm:

- Đại học Bách khoa Hà Nội (ĐHBK)

- Đại học Công nghệ, ĐHQG Hà Nội (ĐHCN)

- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông (HVCNBCVT)

Ba trường này có truyền thống và được “giang hồ” coi là “danh môn chánh phái”. Về cơ bản nếu bạn vào được 1 trong 3 trường trên là ok. Một số doanh nghiệp khi tuyển dụng họ cũng ghi rõ chỉ nhận (hoặc ưu tiên nhận) sinh viên từ 3 trường này.

Bảng 1: So sánh một số tiêu chí của các trường đào tạo CNTT ở Hà Nội

Tiêu chí

ĐHBK

ĐHCN

HVCNBCVT

Thời gian đào tạo

5 năm

4 năm

4,5 năm

Bằng cấp

Kỹ sư

Cử nhân

Kỹ sư

Chỉ tiêu tuyển sinh

800 / năm

600 / năm

900 / năm

Khối thi

A và A1

Học phí (tham khảo)

20 triệu / năm

10 triệu / năm

16 triệu / năm

Điểm chuẩn (tham khảo)

25,5-27

25-26

24-25

Chương trình đào tạo

Khối kiến thức cơ sở ngành và chuyên ngành CNTT cơ bản giống nhau

Giảng viên

Được đào tạo bài bản, phần lớn được đào tạo ở các nước phát triển

Phong trào sinh viên

Mạnh, đạt kết quả tốt ở các cuộc thi sáng tạo hoặc Olympic dành cho sinh viên

 

5. Cơ hội nghề nghiệp

Như đã nói ở Phần 2, lựa chọn ngành CNTT sẽ mang đến cho bạn cơ hội nghề nghiệp rộng mở. Có nhiều lựa chọn cho bạn sau khi tốt nghiệp, dưới đây là một vài trong số đó:

- Trở thành nhà nghiên cứu, giảng dạy: rất nhiều học bổng đi du học nước ngoài đang chờ đón các bạn (Mỹ, Nhật, EU, Úc, Hàn Quốc, Singapore, v.v.). Sau khi học xong các bậc cao hơn (Thạc sĩ, Tiến sĩ) bạn có thể trở thành các nhà nghiên cứu hoặc làm việc cho các công ty lớn hoặc làm công tác nghiên cứu, giảng dạy tại các trường đại học.

- Thành lập công ty (Start up): Rất nhiều công ty về CNTT được thành lập mới mỗi tháng, mỗi tuần. Nếu có ý tưởng, đam mê, bạn có thể là một trong số đó.

- Làm việc cho các công ty nước ngoài: Rất nhiều công ty nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực CNTT đầu tư vào Việt Nam và đang khát nguồn nhân lực chất lượng cao (Samsung, Microsoft, Panasonic, Canon, v.v.).

- Làm việc cho các công ty CNTT Việt Nam: Vin, Viettel, FPT, VNPT, CMC, Misa, v.v

- Làm việc CNTT trong các lĩnh vực khác: Ngoài ra bạn có thể làm việc ở các lĩnh vực khác như bảo hiểm, ngân hàng, y tế, v.v., tất cả các công ty, đơn vị hoạt động ở các lĩnh vực trên đều có các hệ thống phần mềm, mạng máy tính chuyên dụng, họ đều có trung tâm CNTT và luôn cần tuyển dụng người giỏi.

Theo thống kê năm 2019, mức lương trung bình của nhân lực ngành công nghệ thông tin theo số năm làm việc như sau: 12,5 triệu (1 năm); 19 triệu (2-4 năm); 26 triệu (5-6 năm); 30 triệu (7-9 năm); 36 triệu (>10 năm). Tất nhiên nếu bạn giỏi, các công ty sẵn sàng trả bạn với mức lương gấp từ 2 đến nhiều lần mức trung bình này. 

6. Lời kết

Công nghệ thông tin là một ngành đáng học và nên học, để làm cho thế giới tốt đẹp hơn.

TS. Ngô Xuân Bách - Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính, Khoa CNTT, HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông
TS. Ngô Xuân Bách - Trưởng Bộ môn Khoa học máy tính, Khoa CNTT, HV Công nghệ Bưu chính Viễn thông

Hà Nội, ngày 21 tháng 4 năm 2020

TS. Ngô Xuân Bách, Cựu học sinh chuyên toán khóa 1999-2002, Trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Hải Dương