Cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng nói: “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý”. Thực vậy, nghề giáo là nghề được ngưỡng mộ và tôn trọng, vì nó đào tạo nên những thế hệ chủ nhân tương lai của đất nước. Đối với cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, thì giáo dục học sinh không đơn thuần chỉ là công việc người thầy hằng ngày đến lớp truyền đạt kiến thức cho học sinh mà còn là để hướng các em đến sự hoàn thiện cả về trí tuệ và nhân cách, làm sao các em vững bước trên con đường đời, trở thành những công dân toàn cầu.
Những năm tháng khó khăn, vẫn mãi một niềm tin....
Tháng 11 năm 1999, cô Thanh về trường. Khi đó, chỉ có thầy Phan Kế Tấn và cô Nguyễn Thị Thế Bình là hai giáo viên gạo cội - đặt nền tảng ban đầu cho sự hình thành nhóm Sử của nhà trường. Năm 2007, cô làm tổ trưởng thay thầy Tấn nghỉ hưu. Khi tổ thành lập những ngày đầu, công tác đào tạo, bồi dưỡng HSG Quốc gia còn nhiều bỡ ngỡ, khó khăn. Làm thế nào để các em không cảm thấy chán nản, luôn luôn giữ được tinh thần, lòng yêu thích bộ môn Lịch sử, đồng thời tiếp cận được với những phương pháp giảng dạy vừa tạo hứng thú cho các bạn học sinh, vừa đạt hiệu quả chất lượng về mặt kiến thức. Vượt qua những thử thách, khó khăn ấy, cô Thanh cùng các đồng nghiệp đã gặt hái được những trái ngọt đầu tiên và những kết quả đáng ghi nhận. Tính từ năm đầu tiên thi HSG môn Sử đến năm học 2010-2011 đã có 78 giải HSG Quốc gia trong đó có 5 giải Nhất, 23 giải Nhì, 36 giải Ba và 14 giải Khuyến Khích, nhiều em sau đó được tuyển thẳng vào các trường đại học, học viện top đầu của cả nước như Học viện Cảnh sát, ĐHSP Hà Nội,... Những giải thưởng đáng nể trên chính là động lực để cô Thanh và các thầy cô trong tổ tiếp tục duy trì, phát huy, xây dựng nên một tổ chuyên môn đoàn kết, vững mạnh.
Quyết tâm xây dựng nhà trường vững mạnh, tập thể đoàn kết
Năm 2012, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh được Sở GD&ĐT tỉnh Hải Dương bổ nhiệm trở thành Phó Hiệu trưởng trường THPT chuyên Nguyễn Trãi. Nhận được sự tin tưởng và quan tâm của các cấp lãnh đạo, cô luôn luôn ý thức trong việc gìn giữ lối sống lành mạnh, đúng với phẩm chất của một nhà giáo, có ảnh hưởng giáo dục tốt đối với học sinh. Cô nhiệt tình ủng hộ và tham gia các hoạt động văn hoá do cấp trên phát động, xây dựng khối đoàn kết trong nhà trường, phát huy sức mạnh của mọi cá nhân và tập thể.
Những giải thưởng cao quý cho nỗ lực không ngừng nghỉ
Với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng nghỉ, tính đến nay, cô đã có 7 năm liên tiếp đạt danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp cơ sở, 1 danh hiệu “Chiến sĩ thi đua” cấp Tỉnh. Cô còn nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT năm 2012, Bằng khen của Thủ tướng Chính Phủ năm 2015. Năm 2013, Chủ tịch UBND Tỉnh tặng Bằng khen cho cô vì thành tích trong phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Trong công tác bồi dưỡng Học sinh giỏi Quốc gia từ năm học 2011 – 2012 đến năm học 2019 – 2020, cô (đồng hành cùng cô giáo Nguyễn Thu Quyên) có 27 em học sinh đạt giải Quốc gia, trong đó gồm 4 giải Nhất, 5 giải Nhì, 8 giải Ba, 10 giải Khuyến Khích. Để ghi nhận công lao và những thành tích đó, cô một lần nữa được nhận Bằng khen từ Chủ tịch UBND Tỉnh trong các năm 2015, 2017, 2018 cùng Giấy khen của Giám đốc Sở GD&ĐT năm 2013, 2014, 2019. Bên cạnh đó, cũng có rất nhiều học sinh của cô tham gia các cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh, khu vực và đạt được những giải thưởng cao quý, góp phần phát huy truyền thống hiếu học của nhà trường và khẳng định vị thế của ngôi trường chuyên duy nhất trong tỉnh.
Một phong cách lãnh đạo đặc biệt: lắng nghe, thấu tình, đạt lý
Với cương vị Phó Hiệu trưởng nhà trường, cô luôn đổi mới trong cách quản lý học sinh và định hướng giảng dạy cho các thầy cô, thật sát sao nhưng cũng phải hợp tình, hợp lý. Cô Thanh luôn dành thời gian quan tâm đến các đồng nghiệp của mình, thẳng thắn trình bày quan điểm, góp ý để các giáo viên trong trường tiếp tục nâng cao chuyên môn, luôn giữ được lửa trong nghề và truyền được cái lửa đó đến các em học sinh. Đồng thời, cô Thanh cũng quan tâm đến đời sống cá nhân của mọi người, các thành viên trong tổ nói riêng và các thầy cô trong trường nói chung. Thông qua những buổi họp, trao đổi, trò chuyện thường ngày, cô càng hiểu rõ hơn về hoàn cảnh của mỗi thầy cô, cùng đồng cảm và cùng tháo gỡ khúc mắc, tăng tình đoàn kết, tương trợ lẫn nhau của tập thể giáo viên trong trường.
Một người cô – Một người mẹ...
Trên cương vị của một người lãnh đạo là thế, nhưng cô Thanh lại xuất hiện với những nét giản dị thường thấy của một nhà giáo khi đứng trên bục giảng. Mỗi tiết học Lịch sử của cô chính là một cuộc hành trình, một sự khám phá đối với các bạn học sinh. Tiếp cận các phương pháp học tập tiên tiến dựa trên các phương tiện điện tử, máy tính, cô Thanh còn tổ chức các hoạt động tập thể, làm việc nhóm, đa dạng hóa cách tổ chức lớp học, làm sao để các em yêu môn Lịch sử, thích học Lịch sử và biến tri thức mà các em nhận được ngày hôm nay trở thành hành trang trong cuộc sống sau này. Mỗi lứa học sinh nếu như may mắn được cô dìu dắt, chắc hẳn sẽ rất quen thuộc với những cái tên như “mẹ Thanh”, “bu Thanh”. Quả thực, cô đóng vai trò không chỉ là một nhà giáo tâm huyết với nghề, mà còn là một người mẹ, một người bạn, luôn quan tâm, chăm sóc, lắng nghe để thấu hiểu, nhận biết những tâm tư, tình cảm của mỗi học sinh, giúp các em vượt qua những trở ngại để học tập tốt, rèn luyện tốt, xứng đáng với danh hiệu học sinh trường chuyên.
Gắn kết, tạo sự tin tưởng, an tâm giữa cha mẹ - thầy cô – học sinh
Muốn học sinh phát triển toàn diện thì không chỉ cần những tấm gương sáng, những điều kiện học tập tốt, sự quan tâm từ thầy cô mà cần có cả sự phối hợp của nhà trường và các bậc phụ huynh. Đối với bậc THPT, đây là giai đoạn để các em lựa chọn con đường đi cho riêng mình, quyết định rất lớn đến tương lai sau này. Vì vậy, hằng năm luôn có những cuộc họp phụ huynh thường xuyên để cùng trao đổi, tìm ra giải pháp tốt nhất, giúp các bạn học sinh có những quyết định sáng suốt. Cô Thanh cùng ban lãnh đạo nhà trường cũng đã làm tốt công tác tư vấn thi THPT Quốc gia cho học sinh, liên hệ với các trường Đại học lớn về trực tiếp tư vấn cho học sinh khối 12 hàng năm, giúp học sinh và phụ huynh hiểu rõ hơn về các trường định lựa chọn, tạo tâm lý tự tin trong thi cử cho các em.
Một tâm niệm cao cả...
“Học sinh chính là trung tâm của ngành giáo dục. Lấy học sinh làm trung tâm để các em phát huy khả năng sáng tạo, chủ động trong học tập, giúp các em có cơ hội để phát triển toàn diện, đó mới thực sự là mục tiêu cao cả của giáo dục". Với tâm niệm ấy và những đóng góp không mệt mỏi cho ngành giáo dục trong gần 30 năm qua, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Thanh thực sự là một nhà giáo gương mẫu và hết lòng vì “sự nghiệp trồng người”. Hy vọng cô sẽ luôn có thật nhiều sức khỏe và niềm vui trong cuộc sống, để tiếp tục tạo nên những thế hệ học sinh chuyên Nguyễn Trãi tài năng, cống hiến hết mình vì sự phát triến của đất nước.
Tác giả: Hà Nguyễn – Bảo Huy