Trong khuôn khổ Lễ hội mùa Xuân Côn Sơn – Kiếp Bạc năm 2025, tỉnh Hải Dương đã tổ chức Giải chạy Marathon “Côn Sơn – Kiếp Bạc: Hành trình kết nối di sản văn hóa”. Đây không chỉ là một sự kiện thể thao mà còn là hoạt động ý nghĩa nhằm quảng bá và tôn vinh giá trị lịch sử, văn hóa của vùng đất linh thiêng này.

Giải marathon năm nay có quy mô mở rộng, thu hút gần 2.000 vận động viên chuyên nghiệp và không chuyên trên cả nước. Các cự ly thi đấu gồm 5km, 10km, 21km và 42km. Đường chạy bắt đầu từ bãi xe số 1 khu di tích Côn Sơn, đi qua những danh thắng tiêu biểu của thành phố Chí Linh, mang đến cho vận động viên trải nghiệm vừa thử thách vừa tràn đầy cảm hứng. Trong đó, các cự ly ngắn (5km và 10km) diễn ra vào ngày 14/2, còn các cự ly dài hơn (21km và 42km) đầy thử thách diễn ra vào ngày 16/2.

Một gương mặt đại diện cho Công đoàn trường THPT chuyên Nguyễn Trãi tham gia giải chạy năm nay là thầy giáo Nguyễn Thế Sinh – tổ trưởng tổ Toán. Thầy Thế Sinh không chỉ là một người đam mê Toán học mà còn rất yêu thể thao. Ngoài giờ dạy học, thầy luôn sắp xếp công việc để tham gia một số giải bơi lội, chạy marathon ở các địa phương khác nhau. Thầy Thế Sinh còn là một người truyền cảm hứng về nghị lực, sự bền bỉ khi luyện tập; về sự cân bằng giữa lao động trí óc và hoạt động thể thao. Điều đáng ngưỡng mộ hơn nữa là thầy không tham gia một mình, mà đồng hành cùng vợ – cũng là một cựu học sinh chuyên Nguyễn Trãi. Cả hai vợ chồng thầy cùng tham gia thi đấu cự ly 21km và hoàn thành mục tiêu đề ra khi tham dự cuộc thi Marathon Côn Sơn- Kiếp Bạc 2025- Hành trình kết nối di sản văn hóa vào ngày 16/2 vừa qua.

Chia sẻ về trải nghiệm lần này, thầy Thế Sinh tâm sự:
“Vợ chồng tôi đã từng tham gia nhiều giải bơi lội và chạy marathon ở các địa phương khác nhau, nhưng giải chạy tại quê hương Hải Dương mang một ý nghĩa rất đặc biệt. Đây không chỉ là dịp để rèn luyện sức khỏe mà còn là cơ hội để quảng bá nét đẹp của Côn Sơn – Kiếp Bạc đến bạn bè khắp nơi trong hành trình kết nối di sản văn hoá. Chúng tôi xuất phát từ 3h45p sáng ở TP Hải Dương để đến Côn Sơn tham gia giải chạy lúc 5h sáng. Lúc bắt đầu chạy, trời tối mù, không nhìn thấy đường, cứ người sau nhìn theo người trước mà chạy.”
Đối với thầy Thế Sinh, chạy bộ cũng giống như học Toán – một quá trình tích lũy kiên trì:
“Chạy bộ cũng như giải Toán vậy, mỗi ngày cố gắng một chút, kiên trì không bỏ cuộc, đến một lúc nào đó, ta sẽ đạt được điều mà trước đây chưa từng nghĩ tới.”
Không chỉ là một cuộc đua thể lực, hành trình 21km của thầy Sinh còn đọng lại nhiều câu chuyện ý nghĩa. Trên đường chạy, thầy bắt gặp một vận động viên đến từ Sài Gòn chạy chân đất suốt 18 tháng để chiến thắng bệnh tật. Có người bị chấn thương từ km thứ 18 nhưng vẫn kiên trì đến đích trong niềm vui như vỡ òa cảm xúc. Hay câu chuyện của bà cụ Nguyễn Thị Việt Dung (TP Uông Bí, Quảng Ninh) đã 85 tuổi nhưng bà vẫn đều đặn chạy bộ 10km mỗi ngày và cũng tham gia cuộc thi này.

nhưng bà vẫn đều đặn chạy bộ 10km mỗi ngày và cũng tham gia cuộc thi này.
Điều làm thầy Thế Sinh ấn tượng nhất chính là tinh thần đoàn kết, sự động viên lẫn nhau giữa các vận động viên trên đường đua.
“Trong suốt hành trình, mọi người luôn hỗ trợ nhau để cùng về đích. Những giây phút đó làm tôi nhận ra rằng đôi khi, sự gian khổ lại mang đến những niềm vui vô cùng lớn lao. Và trên hết, được đồng hành cùng người bạn đời của mình trên cả chặng đường là một niềm hạnh phúc không gì sánh bằng. Có chút thú vị nữa trong buổi chạy này. Vì mục tiêu chạy lần này của tôi là vượt mốc 21km trước đây, nên từ km thứ 14, tôi đã để vợ tôi chạy về trước tại điểm quay đầu, còn tôi chạy thêm 3km để trải nghiệm cây cầu mới đang sắp thông xe, sau đó tăng hết tốc lực cho 10km tiếp theo để đuổi kịp vợ và cùng về đích. Vậy là tôi đã hoàn thành 24.27 km, chứ ko phải 21km. Đuổi theo vợ rất có động lực.” (cười)


chứng nhận hoàn thành cuộc thi marathon Côn Sơn - Kiếp Bạc 2025.
Hình ảnh vợ chồng thầy Nguyễn Thế Sinh cùng nhau vượt qua từng km, rồi vỡ òa cảm xúc khi cùng những người bạn trên đường đua chạm vạch đích không chỉ đơn thuần là một chiến thắng cá nhân mà còn là biểu tượng của sự bền bỉ, ý chí kiên cường. (Đặc biệt là cuộc thi diễn ra vào lúc sáng sớm khi thời tiết mưa rét khắc nghiệt). Câu chuyện về cuộc thi marathon Côn Sơn- Kiếp Bạc của thầy đã truyền cảm hứng mạnh mẽ đến học sinh, đồng nghiệp tại chuyên Nguyễn Trãi, rằng: với sự nỗ lực không ngừng, dù trên bục giảng hay trên đường đua, đều sẽ dẫn đến thành công. Chiến thắng chính bản thân mình là chiến thắng quan trọng nhất. Bên cạnh đó, khi chăm chỉ luyện tập thể thao, ta sẽ có sức khỏe dẻo dai, tinh thần phấn chấn, tràn đầy năng lượng, học tập và làm việc hiệu quả hơn, lại có thêm nhiều bạn bè tích cực cùng sở thích.

giáo viên Toán, Hiệu trưởng trường THPT chuyên Trần Phú, Hải Phòng - cũng là một VĐV trong cuộc thi.
Giải Marathon Côn Sơn – Kiếp Bạc 2025 không chỉ là sự kiện thể thao mà còn là hành trình kết nối con người với lịch sử, thiên nhiên và văn hóa. Mỗi bước chạy của các vận động viên không chỉ là sự chinh phục giới hạn bản thân mà còn góp phần lan tỏa tinh thần yêu thể thao, nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát huy giá trị di sản. Và trên hành trình đó, những người như thầy Nguyễn Thế Sinh đã để lại dấu ấn đẹp đẽ về lòng kiên trì, tinh thần không bỏ cuộc và niềm đam mê bền bỉ với cả thể thao và cuộc sống.
Tác giả: Nguyễn Thị Lan Anh