Học sinh Chuyên Nguyễn Trãi từ trước đến nay không chỉ giỏi trong học tập, năng động trong các hoạt động xã hội mà còn rất đam mê nghiên cứu và sáng tạo khoa học.Tiêu biểu trong đó là một nhóm các bạn học sinh lớp 11 Lí đã cùng nhau thực hiện một thí nghiệm Vật lí nho nhỏ mang tên "Tên lửa nước".

Chúng ta hãy cũng lắng nghe một vài chia sẻ thú vị của bạn Ngô Tùng Dương - người thực hiện chính của thí nghiệm trong quá trình chế tạo tên lửa nhé! Cũng bật mí là Dương đã từng đạt giải khuyến khích trong kì thi HSG Tỉnh lớp 10 môn Vật Lí, được nhà trường tặng thưởng cho cuộc thi ''Khoa học sáng tạo trẻ'' với đề tài kính thiên văn.

 

(Bạn Ngô Tùng Dương (thứ hai từ bên trái) cùng các bạn trong nhóm làm thí nghiệm)

 

Phóng viên NMC (PV): Chào bạn, cám ơn bạn đã tham gia buổi phỏng vấn của NMC. Bạn có thể chia sẻ cho chúng mình một chút về quá trình chuẩn bị cho buổi thí nghiệm này được không?

Dương: Trước hết, bọn mình tìm hiểu kĩ về cấu tạo, thành phần cũng như cơ chế hoạt động của "tên lửa", tham khảo ý kiến của các anh chị đã thành công trước đó trên một số diễn đàn khoa học, rồi mới bắt tay vào thực hiện. Lúc đi mua nguyên liệu, mình cũng gặp phải một vài tình huống dở khóc dở cười là không biết làm sao diễn tả thứ đồ muốn mua với cô bán hàng. Và cuối cùng thì sau khi vận dụng đủ các kĩ năng giao tiếp, mình cũng có được những nguyên liệu như mong muốn.

PV: Những lần thử nghiệm đầu tiên như thế nào? Chắc chắn bạn đã gặp phải không ít khó khăn?

Dương: Ý tưởng này bắt nguồn từ các diễn đàn Thiên văn trên mạng Internet, mình đã ấp ủ nó từ lâu nhưng bây giờ mới có thể thực hiện được. Lúc tìm hiểu thì có vẻ thí nghiệm không quá khó nhưng khi bắt tay vào làm mình mới thấy nó không dễ dàng như mình tưởng. Nhóm mình đã thực hiện nhiều lần và từ đó cũng phát sinh biết bao vấn đề hóc búa.

​("Tên lửa nước"-tâm huyết của nhóm bạn đam mê khoa học)

Lần thử đầu tiên không thành công vì dàn bắn chưa kín khí nên không thể bay lên. Khi đó mình hơi thất vọng một chút, nhưng sau khi tìm ra được chỗ sai, mình đã cố gắng khắc phục. Và đến lần thứ hai thử nghiệm, tên lửa được phóng đi thành công, khiến mình thật sự rất vui và thích thú.

 


​(Tên lửa bay vút lên trong niềm hân hoan của nhóm bạn làm thí nghiệm)

Mặc dù tên lửa có thể bay lên nhưng vẫn chưa tự động bung dù để hạn chế tốc độ rơi, khiến tên lửa lao xuống nhanh và mạnh, gây méo mó, may mắn là không trúng vào bạn nào. Sau lần này, cả nhóm quyết định chuyển dời địa điểm phóng cho an toàn và nhất định tìm hiểu kĩ để khắc phục sự cố.

PV: Điều đáng nhớ nhất trong quá trình làm thí nghiệm của bạn là gì?

Dương: Mình nhớ nhất là khi muốn kiểm tra xem dàn phóng có bị rò khí hay không nên đã bơm ngay tại phòng học ở nhà. Do không để ý nên khi bơm khí vào nhiều, áp suất lớn, một cái nắp mình gắn chưa chắc chắn đã phụt mạnh ra ngoài và nổ một tiếng thật lớn. May mắn là mình không sao nhưng cũng được một phen hết vía. Nhờ "tai nạn" đó mà mình đã rút ra kinh nghiệm là phải cẩn thận hơn nhiều cho an toàn trong những lần thử nghiệm sau.

PV: Bạn có thể chia sẻ dự định trong tương lai của bạn không?

Dương: Mình đang đăt ra mục tiêu "nâng cấp" sản phầm thành tên lửa 3 tầng thay vì chỉ là 1 tầng như trước, như vậy sẽ giúp tên lửa bay cao và đẹp mắt hơn. Mình còn ấp ủ dự định có thể phổ biến rộng rãi trò chơi bổ ích này trong trường để có thể giao lưu, thành lập một câu lạc bộ "chế tạo tên lửa", giống như nhiều trường chuyên khác đã làm. Mình cũng sẽ cùng các bạn cố gắng tìm tòi nhiều hơn, thực hiện được những thí nghiệm thú vị khác để thỏa mãn niềm yêu thích nghiên cứu khoa học của bản thân.

Chúc các bạn thành công với mục tiêu đã đặt ra, tiếp tục đam mê nghiên cứu, sáng tạo khoa học và có thật nhiều sản phẩm "ra mắt bà con" nhé! 

Nguyễn Thị Ngọc Bích