Đi du học đang ngày càng trở nên phổ biến và được nhiều học sinh, sinh viên quan tâm và hướng đến. Và một trong những quốc gia được học sinh Việt Nam hướng đến nhiều nhất chính là Pháp. Trong phần đầu tiên của chùm bài " Hiểu biết về du học Pháp", chúng ta hãy cùng tìm hiểu xem tại sao học tập tại Pháp lại được ưa chuộng đến vậy nhé!
I. Tại sao bạn nên du học Pháp?
1.Chất lượng giáo dục
Có 41 trường của Pháp có mặt trong bảng xếp hạng QS. Hai trường có thành tích “khủng” nhất đất nước hình lục lăng, Ecole Normale Supérieure, Paris và Ecole Polytechnique ParisTech là những trường nổi tiếng thế giới, xếp hạng 23 và 40. Các trường kinh doanh của Pháp rất uy tín về chất lượng đào tạo cũng như khả năng cạnh tranh của sinh viên trên thị trường lao động sau tốt nghiệp. Một số ngành học nổi bật của quốc gia này thiên về lĩnh vực Nhân văn và Nghệ thuật.
Nền giáo dục của Pháp có mối liên kết chặt chẽ với một nền nghiên cứu khoa học ở trình độ cao, ngoài ra nó còn có sự liên kết với các doanh nghiệp. Các đợt thực tập tại doanh nghiệp đang là một yếu tố bắt buộc của phần lớn các chuyên ngành đào tạo đại học hiện nay. Các khóa thực tập này tạo điều kiện thuận lợi cho sự hòa nhập của sinh viên vào môi trường công việc đồng thời mang đến cơ hội được tuyển dụng sau khi quá trình thực tập kết thúc
Pháp đứng thứ 4 trên thế giới về tiếp nhận sinh viên nước ngoài. Hiện nay, có hơn 6000 sinh viên Việt Nam đang theo học tại Pháp.
Các lĩnh vực học tập tại Pháp liên kết chặt chẽ với nghiên cứu khoa học trình độ cao
2.Nét đẹp văn hóa
Sống ở Pháp nghĩa là đắm mình trong văn hóa, nhấm nháp những chiếc bánh macaron ngọt bùi trên phố Lille, lần giở từng trang sách kinh điển trong một tiệm sách cũ hay tập tành nếm rượu nơi miền nam nước Pháp…
Vẻ đẹp của nước Pháp được trộn lẫn giữa sự giao thoa văn hóa truyền thống và tân thời. Bạn có rất nhiều lựa chọn giải trí mỗi ngày, mỗi giờ, chẳng hạn như đi thăm phòng triển lãm nghệ thuật, hay nhảy nhót tưng bừng ở một buổi hòa nhạc dịp cuối tuần. Dù mê nhạc Daft Punk, David Guetta hay Chopin, thì nước Pháp cũng là nơi bạn có thể chìm đắm trong thế giới âm nhạc của riêng mình. Thử tưởng tượng về một bữa ăn sáng với những chiếc bánh ngọt kiểu Pháp, những buổi chiều thơ mùi bánh crêpe hay buổi tối lang thang hàng quán với đặc sản phô-mai trứ danh. Ở Paris, bạn cũng có thể tìm tới các chợ, nơi bạn có thể mua thực phẩm, đồ cũ, các món lưu niệm hay ho cho gia đình, bè bạn ở nhà.
Và tại sao không đi đâu đó loanh quanh bằng xe đạp trong thành phố?
Trên khắp các nẻo đường, rất dễ để tìm đến các bảo tàng, phòng tranh vốn cũng là những “hạt ngọc” chỉ riêng Paris mới có. Trong số đó, nhất định bạn không nên bỏ qua bảo tàng Louvre, Musée d’Orsay hay nếu muốn một nơi yên tĩnh hơn thì Musée Rodin cũng là một bảo tàng hay.
Tuyệt hơn cả, thứ ngôn ngữ mà bạn dùng thường xuyên chính là thứ ngôn ngữ của tình yêu …..
Những quán coffee mang hơi hướng cổ điển đã trở thành một trong những biểu tượng văn hoá khi nghĩ tới nước Pháp
3. Học phí phải chăng; cơ hội giao lưu, khám phá và trải nghệm rộng mở
Bạn có thể rất ngạc nhiên khi biết rằng học phí ở Pháp vô cùng “phải chăng” so với các điểm đến du học phổ biến khác như Vương quốc Anh hay Hoa Kỳ. Đây là một trong những quốc gia hiếm hoi nơi sinh viên quốc tế không phải đóng mức học phí cao hơn so với sinh viên bản địa.
Ngoài ra bạn còn có thể đi lại tới một số nước thuộc khu vực châu Âu khá dễ dàng nhờ Hiệp ước Schengen quy định quyền tự do đi lại của công dân các nước thành viên (tính đến 19/12/2011 có 26 nước thuộc khu vực Schengen: Ba Lan, Cộng hòa Séc, Hungary, Slovakia, Slovenia, Estonia, Latvia, Litva, Malta,Iceland, Na Uy, Thụy Điển, Phần Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Bỉ, Luxembourg, Pháp, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Đức, Áo, Ý, Hy Lạp, Thụy Sĩ, Liechtenstein).
Học phí du học Pháp là mối quan tâm của rât nhiều học sinh có dự định du học
II/ Hệ thống giáo dục Đại học của Pháp có gì thú vị?
Chỉ tính riêng trong năm vừa qua thì có đến gần 300,000 sinh viên quốc tế chọn Pháp là địa điểm du học của mình. Sự đặc trưng trong văn hóa, ẩm thực và phong cách sống của nước Pháp đã khiến quốc gia này trở thành địa điểm du học ưa thích của các bạn sinh viên. Hệ thống giáo dục đại học tại đây luôn nhận được sự trợ cấp rất hào phóng của chính phủ Pháp. Ngoài ra, nước Pháp còn sỡ hữu các trung tâm nghiên cứu và những cơ sở đào tạo kinh doanh nổi tiếng thế giới. Trước khi nộp hồ sơ du học Pháp, bạn nên tìm hiểu một chút về cách thức hoạt động của hệ thống giáo dục nơi đây.
Có thể bạn chưa biết:
- Sinh viên Pháp và sinh viên quốc tế đóng cùng một mức học phí
- Chương trình học Cử nhân tại Pháp thường kéo dài 3-4 năm
- Chương trình học Thạc sĩ tại Pháp kéo dài trong 2 năm
- Nghiên cứu là thế mạnh của các chương trình Cao học tại Pháp
- Pháp có 2 trường Đại học nằm trong top 100 bảng xếp hạng các trường Đại học của QS
- Pháp có hơn 220 trường kinh doanh
Các loại cơ sở đào tạo tại Pháp
1.Các trường đại học công lập
Ngoài việc đài thọ cho các trường đại học công lập, chính phủ Pháp còn kiêm luôn nhiệm vụ kiểm soát và quản lí các loại bằng cấp được trao bởi những trường đại học này. Các trường đại học công lập tại Pháp có chất lượng đào tạo tốt với mức học phí phải chăng. Chính vì lý do đó nên trường công lập chính là lựa chọn hàng đầu của hầu hết sinh viên quốc tế khi du học Pháp.
Đại học sư phạm Ecole Normale Supericure
2.Các trường đại học tư thục
Học phí tại các trường đại học tư thục luôn cao hơn rất nhiều so với các trường được chính phủ đài thọ. Tuy vậy, những cơ sở đào tạo này vẫn có ưu thế trong việc giảng dạy những bộ môn chuyên ngành trong một số các lĩnh vực nhất định. Các trường đại học tư tại Pháp thường có thể mạnh trong việc đào tạo chuyên sâu các ngành học như Nghệ Thuật, Nhân Học, Khoa Học và Kĩ Thuật.
Đầu vào của các trường Đại Học tư thục cũng khá dễ so với trường công lập
3. Các trường lớn - Grandes Écoles
Grandes Écoles là các cơ sở đào tạo chất lượng cao có mặt trong hệ thống giáo dục Pháp song song với trường công và trường tư. Các bạn sinh viên sẽ có nhiều cơ hội phát triển bản thân nếu được học trong những ngôi trường này. Tuy nhiên, để được tuyển chọn và nhập học vào các “Grandes Écoles”, các bạn sinh viên sẽ phải trải qua các kì thi đầu vào gắt gao với sự cạnh tranh cao.
Các trường lớn cũng là một lựa chọn tốt dành cho các bạn học sinh
*Xem thêm danh sách các ngành nghề mà bạn có thể học tập tại Pháp : goo.gl/LBTGKB
III/ Điều kiện để du học Pháp bậc Cử nhân
1. Điều kiện về Bằng cấp
Theo quy định của Pháp, mọi thí sinh muốn đăng ký học Đại Học tại một cơ sở đào tạo ở Pháp cần phải có bằng tốt nghiệp THPT và có giấy gọi nhập học vào một trường Đại Học ở Việt Nam. Giấy gọi này nên thuộc về ngành mà bạn có nguyện vọng theo học ở Pháp. Ví dụ như bạn muốn du học Pháp ngành Kinh tế, bạn nên có giấy gọi của trường chuyên ngành Kinh tế hoặc tương tự của Việt Nam.
2. Điều kiện về bảng điểm
Bảng điểm cấp 3 và bảng điểm đại học (nếu có) là yếu tố quan trọng trong hồ sơ du học Pháp. Điểm trung bình phải từ trung bình khá trở lên. Đặc biệt, điểm số của những môn có liên quan đến ngành học Đại Học mà bạn lựa chọn đóng vai trò quan trọng. Nếu bạn dự định đăng kí học ngành Sinh học tại Pháp mà điểm số môn Sinh học những năm cấp 3 không tốt thì sẽ là một bất lợi lớn.
3. Điều kiện về trình độ ngoại ngữ
Để theo học Đại Học năm 1 ở Pháp bằng tiếng Pháp, bạn cần có chứng chỉ tiếng Pháp DELF B2 trở lên hoặc TCF DAP từ 350 điểm trở lên với điểm viết trên 10. Đây là mức điểm cần thiết để chứng tỏ bạn đủ khả năng ngoại ngữ để theo học. Đối với một số ngành chủ yếu làm việc với các con số (ví dụ như Điện tử viễn thông), yêu cầu về trình độ tiếng Pháp có thể thấp hơn một chút.
Để đăng ký chương trình dạy bằng tiếng anh ở Pháp, yêu cầu tối thiểu phải có IELTS 6.0. Chương trình tiếng anh không yêu cầu thí sinh biết tiếng Pháp nhưng điều này được khuyến khích để thuận lợi cho việc hòa nhập vào môi trường ở Pháp.
4. Điều kiện kinh nghiệm thực tế
Kinh nghiệm làm việc hoặc hoạt động ngoại khóa là một điểm cộng cho hồ sơ du học Pháp. Đó có thể là kinh nghiệm làm thêm, dạy gia sư, bán hàng, tiếp thị… hoặc hoạt động tình nguyện, tham gia vào các câu lạc bộ ngoại ngữ, thể thao… Bạn mới chỉ tốt nghiệp cấp 3 nên yêu cầu về kinh nghiệm là không quá cao, tuy nhiên nếu có các hoạt động kể trên, dù là trong thời gian ngắn, cũng chứng tỏ bạn có một cuộc sống năng động và phong phú.
5.Định hướng nghề nghiệp bản thân
Việc xác định rõ nguyện vọng nghề nghiệp trong tương lai là yếu tố quyết định cho lựa chọn ngành học Đại Học. Bạn nên đánh giá đúng điểm mạnh, điểm yếu và sở thích của mình để quyết định nghề nghiệp mà mình sẽ theo đuổi. Trong thư động lực gửi cho trường, cần trình bày rõ tên vị trí nghề nghiệp muốn làm, lý do chọn ngành nghề đó, lý do chọn nước Pháp, lý do chọn trường và ngành học... Thông tin đưa ra càng cụ thể càng được đánh giá cao vì điều đó chứng tỏ bạn đã lên kế hoạch rõ ràng cho tương lai.
Chúc các bạn thành công!