NGƯỜI THẦY TẬN TỤY, HẾT LÒNG VÌ HỌC SINH

Chẳng biết từ bao giờ, nghề giáo được người ta ví với nghề lái đò. Những chuyến đò âm thầm chở từng lớp người, từng lớp học trò ngày ngày đến bến bờ tri thức. Trên con đường đó, không phải lúc nào cũng được suôn sẻ, đôi khi là sóng dữ, là trở ngại. Thế nhưng, vì tình thương yêu bao la của chính mình như ngọn lửa ấm áp sưởi ấm trái tim đã giúp người lái đò vững tay chèo tiếp tục cầm lái. Mỗi lớp học sinh đi qua để lại cho những người thầy những ấn tượng khó phai mờ. Còn đối với thầy giáo Mạc Đăng Nghị, Phó Hiệu trưởng nhà trường, có những lớp học sinh đi qua nhưng những kỉ niệm vô giá vẫn luôn ở đó, trong trái tim thầy:

“Có lẽ trong suốt sự nghiệp dạy học của thầy, có hai khóa học sinh đặc biệt nhất đó là khóa 2004-2007 và khóa 2005-2008. Trong hai năm học đó, Bộ Giáo dục thay đổi hình thức thi học sinh giỏi Quốc gia. Năm 2007, cả nước có 41 giải và đội tuyển Toán trường mình có 6 người đi thi thì 4 người có giải: 1 giải Nhì và 3 giải Khuyến khích. Nếu so về mặt bằng chung với nhà trường, đó là đội tuyển thấp nhất, nhưng nếu so với cả nước, đội tuyển đứng thứ 2. Sau khi biết kết quả, thầy và học sinh cũng rất buồn, trong khi mọi người xung quanh chẳng còn hy vọng gì thi học sinh giỏi Quốc tế thì thầy trò vẫn quyết tâm, cần mẫn, nuôi niềm hy vọng. Rất may mắn, năm đó anh Phạm Thành Thái đã được chọn vào đội tuyển quốc tế và còn đạt Huy chương Vàng. Năm đó còn có một kỉ niệm rất đặc biệt, khi thi vòng 2 học sinh giỏi quốc tế có một bài tập bất đẳng thức, bài ấy thầy đã dạy rất nhiều cho học sinh và cũng cho học sinh thi vòng 2 của tỉnh Hải Dương. Nhưng anh Thái vào phòng thi lại không làm được bài ấy, bởi anh ấy nghĩ bài ấy làm quá nhiều lần rồi sẽ không thi lại nữa. Và rồi… họ ra đúng bài ấy. Ngày thứ nhất khá là tiếc, nhưng rất may ngày thứ hai anh ấy làm được cả 3 bài, nhưng hoàn thành bài tổ hợp trong 35 phút, anh cứ viết mặc dù chẳng biết là đúng hay sai, và một lần nữa may mắn lại mỉm cười, anh ấy đã làm đúng bài tập đó. 

(Ảnh 1): Thầy giáo cùng anh Phạm Thành Thái trong lễ Tuyên dương khen thưởng

Khóa học sinh thứ hai thầy rất ấn tượng đó là khóa 2005-2008. Khóa ấy các thầy cô đánh giá là không có nhân tố và thầy vào dạy lớp đó từ kì II lớp 11, trong một tình huống đặc biệt là bắt buộc phải dạy. Khi vào đó, thầy nhận thấy kiến thức của các bạn rất mỏng, mọi thứ gần như bắt đầu lại từ đầu. Nhưng bù lại các em lại làm việc rất hăng say, làm việc không biết mệt mỏi và càng làm lại càng giỏi. Năm đó, thi học sinh giỏi Quốc gia còn khó hơn năm trước. Cả nước năm đó được 33 Giải, Hải Dương được 1 giải Nhì và 3 Khuyến khích. Năm đó còn đặc biệt hơn là cả nước không có giải Nhất, chỉ có 3 giải Nhì thuộc về Hải Dương, Hà Nam và Nam Định. Hải Dương sau đó có chị Đỗ Thị Thu Thảo vào đội tuyển quốc tế và giành được Huy chương Bạc.
            Có lẽ đó là hai khóa để lại cho thầy những ấn tượng sâu sắc nhất bởi sự vượt khó của cả thầy và trò. Từ năm 2006 đến năm 2015, huấn luyện đội tuyển quốc gia Hải Dương không mời chuyên gia nào cả, khi thi học sinh giỏi quốc tế chủ yếu tự thầy trò cố gắng, chỉ biết cố gắng hết sức. Và rồi kết quả nhận được là đều có những thành tích hết sức đáng trân trọng.

(Ảnh 2): Thầy giáo Mạc Đăng Nghị và đội tuyển Toán năm 2013

Tình cảm của thầy với học trò và trò với thầy lúc nào cũng vậy, thầy luôn quý và trân trọng các khóa học sinh, nhất là với những học sinh giỏi. Và đặc biệt khóa 2007-2008, trước khi anh Thái đi du học ở Mỹ, anh đã tâm sự với thầy và chắc rằng những lời tâm sự ấy thầy sẽ không bao giờ quên: “Có lẽ thầy đã dạy cho chúng em rất nhiều kiến thức trong Toán học, nhưng những kiến thức về bài học cuộc đời thầy dạy chúng em còn đáng quý hơn”. Chị Thảo cũng thế, sau khi đạt Huy chương Bạc chị ấy cũng rất buồn bởi chị ấy nghĩ thầy rất mong lần thứ ba học trò đạt Huy chương Vàng. Chị ấy đã suy nghĩ rất nhiều và viết một bài tâm sự rất dài để thầy hiểu hơn. Thầy cũng hiểu chị ấy đã rất cố gắng. Và thầy nghĩ rằng tình cảm của thầy với các anh chị và các anh chị với thầy bao giờ cũng thế, trước đây, bây giờ hay là sau này, với thầy các anh chị vẫn luôn là học trò của thầy. Dù có ở phương trời nào, thầy vẫn sẽ dõi theo những bước thành công của các anh chị. Thầy luôn mong học trò của thầy sẽ luôn hạnh phúc và thành đạt. Đó là tâm niệm duy nhất của thầy.”  

(Ảnh 3): Thầy giáo cùng cô học trò Đỗ Thị Thu Thảo trong vòng 2 thi học sinh giỏi Quốc tế

Với mỗi người thầy giáo, có lẽ được nhìn thấy thành quả mà mình tạo dựng được ở mỗi người học sinh, nhìn thấy học trò ngày một trưởng thành, hạnh phúc và thành đạt chính là niềm tự hào và đáng quý nhất. Và dù ở thời đại nào, người thầy vẫn luôn được tôn kính. Dẫu có đổi thay thì hình ảnh người thầy xưa và nay vẫn vậy, vẫn đức độ và tài năng trong tâm khảm mỗi thế hệ học trò…