Thật sự thì đã lâu tôi không có thời gian đảo qua diễn đàn này, đôi khi cuộc sống mưu sinh bận rộn làm chúng ta bị cuốn theo khá nhiều lo toan cũng như ưu phiền. Hôm nay, nhân đọc một bài viết khá hay (bài về thầy Quang) lại gợi cho tôi viết một bài nào đó, có thể mang tính chia sẻ, gửi gắm tâm trạng hoặc thậm chí có tý "giá trị lịch sử" nào đó. Tôi cho rằng khi ta "hồi tưởng" lại theo thiển ý của mình thì thông thường là hay bị chủ quan, duy ý chí và có thể động chạm đến người này người nọ, hy vọng ai đó đọc được mà thấy không chính xác thì nên đính chính hoặc bỏ qua cho.
Ban đầu, chúng tôi được phân công ở chỗ Ban tuyển sinh (phố Bắc Sơn), phải ở gần hai năm mới chuyển sang chỗ trường học bây giờ (ở tại chỗ trường đang học, đến lúc chúng tôi ra trường mới chuẩn bị xây). Khi đó ấn tượng ban đầu về phố này với tôi khá lớn, có vẻ khá nhiều nhà vẫn còn lại từ thời Pháp trông rất ấn tượng. Hồi đó tôi nhớ chúng tôi còn làm một bài hát thế này:
"Đường vào qua Bắc Sơn,
Thấy toàn là nhà lầu,
Tưởng đâu chuyến này vào cầu,
Đi mãi đi sâu,
Đi sâu vào Văn Tố,
Được người ta cho biết,
Trường Năng khiếu nghèo nàn,
Ngày ngày đi ăn cơm,
Sáu thằng vục một nồi..."
Đại để tình hình như vậy. Thỉnh thoảng anh em lại nghêu ngao hát bài này, gọi là Nội Trú ca, khi đó có cậu Văn, về khoản đàn hát có thể xem là khá nhất (nay đang làm ở nhà hát chèo Trung ương) thường đệm phừng phừng cho mọi người hát. Về cậu này thì còn khá nhiều "kỳ tích" tôi không biết có nên kể ra đây không, vì dù sao cậu ta cũng là bạn tôi, mà kỷ niệm thì thường gắn với cái gì đó "ấn tượng" nên hay liên quan đến mấy việc "quậy", lạ, nghịch..
Có một chuyện thế này tôi còn nhớ:
Hồi mới vào ở nội trú, sáng chủ nhật chúng tôi thường đi chợ mua đồ về nấu ăn. Vì đun bếp dầu nên cơm thường sống, khê rất nhiều. Thỉnh thoảng anh em lại phải lật ngửa nồi, cho vung xuống phía dưới mới có thể chín được cơm ở trên mặt. Hồi đó nhà Văn lại mới chuyển lên Hà Nội, chỉ còn Văn học ở Hải Dương, nên cậu ta cầm khá nhiều sách của bố vào nội trú, cho vào mấy cái hòm to. Nói chung nhìn đống sách chúng tôi khá kính nể về "trình" học vấn của cậu này. Nhưng do phòng chật, lại để bừa bãi, cuối cùng một loạt "Đại Việt sử ký toàn thư", "Lê Nin toàn tập" quyển thì bị xé nham nhở, quyển thì bị nhóm bếp dầu mất. Nhiều lần nhìn cậu ta thu dọn sách vò đầu bứt tóc, rên rỉ như bò bị chọc tiết làm anh em cũng thương cảm. Cậu này có vẻ giỏi văn thơ (nổi tiếng ở trường Ngô Gia Tự, nhưng sau thi vào có đề bài là: Tìm từ thậm sưng trong câu "Không có việc gì khó, Chỉ sợ lòng không bền, Đào núi và lấp biển, Quyết chí cũng làm nên" thì cậu ta lại cho rằng thậm xưng là ở câu thơ đầu tiên (đến nay tôi cũng cho rằng thế là đúng) nhưng đáp án lại cho rằng câu "Đào núi và lấp biển", thế là cậu ta nhảy vào lớp Anh). Có lẽ về cậu này tôi sẽ kể thêm sau vì dù sao cũng còn khá nhiều chuyện thú vị. Một lần chúng tôi mua thịt, rau về chuẩn bị nấu cơm sáng chủ nhật, tôi thấy cậu ta hình như đang thả hồn theo một bài thơ nào đó, đi đi lại lại trước cửa phòng, bỗng nhiên cậu ta ra rửa một củ hành sống rồi nhặt luôn một miếng thịt thái rồi cho vào mồm nhai ngon lành ! Không biết sau đó cậu ta có cho ra bài thơ lãng mạn nào không!
Khi chúng tôi ở đó thì có một tòa nhà 2 tầng, khá đẹp, phân cho một số cán bộ Sở, Trường ở tầng 1, còn tầng hai cho một số phòng nữ và một phòng nam. Thêm 2 phòng nam nữa ở một nhà cấp 4 tầng dưới. Tôi nhớ khi đó thầy Tô Hải (toán) thì ở ngay cổng trường, nhà thầy Liên (văn) thì cũng ngay đầu cầu thang xuống. Nói chung hồi đó ở khá chật chội và bẩn, đặc biệt là điện cực kỳ tối. Thế mới có chuyện anh Trí (hồi đó học Toán Lý, bây giờ tôi cũng không rõ anh làm ở đâu) do ăn thiếu chất, ngồi học thiếu sáng mắt về sau bị mờ, đâu còn 3-4/10. Cuối cùng đi khám thì họ bảo chỉ cần bồi bổ vào là được. Anh này có tật là thỉnh thoảng hay ngủ từ chập tối, sau đó bảo "tý chúng mày gọi anh dậy". Nhưng khi chúng tôi đánh thức thì anh lại làu bàu, cứ cố gọi thì anh bảo "anh đánh cho trận bây giờ" (anh này người chắc, khỏe nên anh em cũng sợ) rồi ... ngủ tiếp.

Cùng khóa anh Trí này sau này vào BK tôi cũng gặp mấy anh chị, tuy nhiên tôi chỉ quen chị Thủy, có gặp vài lần, vì học cùng khoa Tin học. Có một anh trước tôi một khóa ở Khoa tin BK cũng khá nổi tiếng là Anh Thanh, người còi nhỏ. Anh này có khoa ăn nói rất hấp dẫn, khi ở trường tôi rất hâm mộ vì anh ta học cũng rất khá. Tôi có hỏi anh ta về cách ôn thi hiệu quả thì anh ta có trình bày cho tôi một cách gọi là "phóng to thu nhỏ 2 lần" gì đó, đại để là ôn kiểu phân chia dạng bài tập trong bộ đề, lâu rồi tôi cũng không nhớ chính xác. Sau này tôi khi tôi vào trường thì anh Thanh đã đi Ba Lan, ở đó một hai năm thì do ăn uống đầy đủ bơ sữa Tây nên rất to cao, cỡ trên 1m70, bây giờ nghe nói là một doanh nhân khá thành đạt và nhiều tiền.
Lại nói về việc khi đó chúng tôi mới vào học, nhà trường có được tài trợ một phòng máy tính, bây giờ mà đọc cấu hình thì nghe có vẻ buồn cười và khó tin, kiểu như máy AT-286/4MB RAM/VGA 256 màu...nhưng hồi đó là quý lắm. Khi đó thầy Tân được phân công quản lý phòng máy tính. Hôm khai trương chúng tôi phải ngồi ở phòng máy demo cho quan khách xem. Chú thì nhập dữ liệu sẵn vào mấy phần mềm vẽ đồ thị để vẽ ra các hình chóp, hình hộp chữ nhật hoặc chạy mấy phần mềm hoa thơm bướm lượn của thầy Tô Thành ĐHBK viết (sau này ngay khi vào BK tôi đã phải cùng cậu bạn cố công tìm và nhìn cho bằng được thầy Tô Thành vì hai năm đầu chưa được học các thầy ở khoa). Mặc dù âm thanh trên loa PC khá kém nhưng khi đó chúng tôi rất thích thú và kinh ngạc. Chúng tôi cũng được luyện tập một số bài tập Pascal và chọn đội tuyển thi Tin toàn quốc, tôi chỉ nhớ là có 2 người được chọn là Thắng và một cậu nữa. Về Thắng thì nói chung tôi đánh giá là một người cực kỳ thông minh (hiện nay thì Thắng đã chuyển về làm bên Tổng Cục An ninh, ra trường khi đi làm chúng tôi còn gặp nhau vài lần, sau lâu rồi tôi cũng không gặp lại). Sau đó cậu ta được cử lên ĐH KHTN ôn luyện một thời gian, khi về cậu ta lắc đầu kể rằng ở đó họ ôn luyện ghê lắm, có một anh tên là Linh gì đó, cũng dạng đội tuyển VN đi thi quốc tế năm trước, khi khai báo biến kiểu như Var x: integer; thì anh ta thường chỉ thoáng một chút cảm giác vài giây gì đó ở đầu ngón tay, còn cỡ như chúng tôi lúc đó mổ cò cũng phải mất đến 1-2 phút. Tuy nhiên, khi vào học Viện quân sự tôi nghe nói Thắng cũng khá nổi đình nổi đám, nhiều lần đoạt giải nhất Olimpic Tin học sinh viên toàn quốc và nói chung được các thầy bên đó rất "cưng".
Lại quay trở lại cuộc sống nội trú, nhìn chung tình hình như sau:
Về giải trí: chúng tôi chỉ có chút ít báo chí, nghe tin tức trên đài, thỉnh thoảng xem nhờ ti vi nhà các thầy. Nói chung ai sống trong giai đoạn đó mới cảm nhận được sự thiếu thốn đến mức nào so với bây giờ. Buổi tối trước khi đi ngủ chúng tôi thường trêu đùa nhau, kể chuyện hoặc tranh luận. Tôi nhớ khi đó có cậu Thái là học sinh duy nhất của lớp Văn, có làm bài thơ gửi bạn ở miền Nam, có câu: Bạn ơi tớ bảo đừng đi nhé, cứ ở ngoài này với tớ vui, đi vào trong ấy vào trong ấy, bạn có quen ai được mấy người...cũng là chủ đề được đàm tiếu nhiều lần. Trong đó có cậu Tuấn (sau học Kiến trúc) là rất thích tranh luận, chúng tôi cũng không hiểu sao hồi đó đêm ngủ bụng thường đói meo mà tranh luận rất hào hứng.
Sau này có thêm một vài cửa hàng chơi trò chơi điện tử, cho thuê truyện ở ngoài đường anh em có thêm vài phong trào giải trí mới. Tôi nhớ khi đó chơi điện tử chủ yếu là trò xếp hình, Rambô gì đó và trò xe tăng. Trò Rambô và xe tăng được anh em say mê nhất, tôi cũng "phá đảo" mấy lần, còn trò xe tăng thì chúng tôi chơi thuộc dạng "lão luyện", thường đánh từ bài 35 tức là phần 2 do biết cách chọn chỗ đứng (tạm gọi là biết chiến thuật chơi) khá tốt. Khi đó phong trào đọc chuyện tình cảm và chuyện chưởng lên khá cao. Bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng trong giai đoạn khó khăn đó dường như con người dễ bị hấp dẫn bởi các tiểu thuyết lãng mạn, tình cảm, cũng như những chuyện đánh đấm ly kỳ. Tôi nhớ có tác giả tên là Ông Văn Tùng, khi đó tôi rất ngạc nhiên lại ghi cả từ Ông vào trước tên tác giả, phải gần đây khi đọc báo, xem tivi tôi mới biết Ông lại là họ của nhà văn đó. Về khả năng đọc truyện thì đến tận bây giờ tôi vẫn rất kính nể một cậu bạn tên là Nghiệp, còn gọi là Nghiệp "đại sư" vì đầu cậu ta rất nhiều tóc bạc (nay làm ở Ngân Hàng Đầu tư Phát triển), mãi sau này mới vào ở nội trú. Cậu ta đọc đủ loại truyện và có trí nhớ một cách rất thần bí, hiếm có truyện nào chúng tôi lôi ra kể với nhau mà cậu ta lại chưa đọc. Cậu ta thường ngồi lỳ trên giường tầng và có khả năng đọc chuyện rất nhanh, một buổi có thể xong vài cuốn. Sau này cậu ta cũng dính một vụ chảy máu dạ dày vì có lẽ do hay đọc ngay sau khi ăn (gần đây tôi gặp thì nghe nói bệnh dạ dày đã khỏi và cũng hết hẳn tóc bạc). Ngoài ra cậu này còn có tài chơi cờ vua, cờ tướng, có khả năng đánh cực kỳ nhanh, bây giờ vẫn là một "sát thủ" ở BIDV.
Về thể thao: khi đó chúng tôi có phong trào chơi bóng bàn rất rộn rã vì Ban tuyển sinh nằm ngay gần nhà hát Lớn ngoài trời, ở đó có câu lạc bộ bóng bàn Hải Dương. Giai đoạn đó Vũ Mạnh Cường mới bắt đầu nổi tiếng, còn bị che lấp dưới bóng của Lê Tuấn Anh gì đó, đội tuyển TP HCM. Chúng tôi thường ra đó thuê bàn và chơi khá thường xuyên, có mấy thành viên tích cực nhất là Hiếu (nay làm về Luật), Tuấn (làm Vinaconex), tôi và Thái. Chúng tôi cũng học được nhiều ngón "xóay", bạt, vuốt rất điệu nghệ. Ngoài ra, thỉnh thoảng chị em đánh cầu lông, anh em thì đá bóng nhựa trong sân trường trước khi đi ăn.
Về ăn uống: nói chung mặc dù cố gắng nhiều nhưng cuộc sống nội trú khá vất vả. Ở được một thời gian thì chúng tôi có nhà ăn, gọi là nhà ăn cho oai chứ ban đầu chỉ có một phòng bằng nửa phòng học, kê bàn ghế cho anh em ngồi ăn. Thức ăn thì khá "hiếm", tôi nhớ đâu chỉ mỗi người gắp hai lần, chưa hết bát cơm đầu là đĩa thức ăn đã hết nhẵn, sau đó mấy bát sau toàn phải ăn cơm canh xuông. Hồi đó nấu ăn có chị tên là Nga, khá xinh, sau chị theo chồng sang Đức. Gần cuối buổi học sáng chúng tôi thường rất đói, hay mò xuống bếp (bếp ở ngay trong trường) làm vài miếng cháy, chan nước thịt, cảm giác rất thú vị!
Ăn sáng thì chủ yếu anh em ăn bánh rán, có một bà cụ khá già tên là Hoan gì đó, khi ấy thường đến bán chịu cho anh em. Nói chung cụ mắt khá lèm nhèm và thường nhờ bọn tôi khi ăn ghi vào sổ cho cụ, cuối tháng thu tiền. Vài cậu láu cá tranh thủ lúc ghi còn gạch bớt được vài suất hôm trước (đánh dấu là đã trả tiền), đúng là bọn "nhất quỷ nhì ma".


Quay về ban đầu tôi có đề cập rằng lý do viết một vài dòng "hồi tưởng" này bắt nguồn từ một bài ai đó nói về việc thầy Quang chơi đàn! Thực sự là khi thầy Quang mới về trường đã dạy lớp chúng tôi. Khi đó thầy còn rất trẻ, hình như tiếng Anh gọi là fresh teacher thì phải. Đến tận lúc thầy Quang về dạy, tôi vẫn còn nhớ trên tường chỗ phòng khách của trường vẫn còn tên thầy trong danh sách các học sinh đoạt giải quốc gia của trường, in giấy có hoa văn đã cũ, nếu tôi nhớ không nhầm thì tên thầy là Nghiêm Vinh Quang, đoạt giải khuyến khích môn Vật lý. Khi đó, thực sự thầy đã mang chút âm hưởng sinh viên về cùng với cây đàn ghi ta (chúng tôi cũng có một hai cây đàn gì đó, tuy nhiên cách hát, cách thể hiện thì phải đến thầy Quang mới thực sự có "chất" sinh viên).
Lại nói về văn nghệ thì khóa chúng tôi đặc biệt rất nhiều người hát hay, trong giải giọng hát hay toàn tỉnh khi đó đã có những người đọat huy chương vàng, bạc. Trong nội trú thì tôi có thể kể tên ra vài giọng hát nổi bật: Cẩm Tú, Nhung (lớp Anh), Đoàn Tuấn (Toán Lý), Văn (Anh)...Có một cậu hát rất hay, tên là H., cũng đọat huy chương vàng của Tỉnh, mặc dù học toán lý, sau này đã từng bỏ trường Nông nghiệp để vào trường Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Rất tiếc sau H. có bị tai nạn và ra đi khi đang tuổi thanh xuân. Dạo đó có một bài hát gắn với kỷ niệm mà tôi rất nhớ:
Buổi sáng chủ nhật mà không phải đi học, anh em thường dạy sớm, đánh răng rửa mặt và hát hò hàng chục bài, gọi là tráng miệng rồi mới đi ăn. Thời kỳ chúng tôi là thời kỳ mà Trần Tiến đang ở đỉnh cao, tôi vẫn nhớ như in cảm giác nghe một cách say mê bài hát Ngẫu Hứng Bên Sông Hồng của Trần Tiến:
Tôi yêu con sáo bé bỏng của tôi
Lang thang theo cha dọc bờ sông trắng xóa
Một ngày mùa thu đưa cha qua sông
Một ngày dòng sông đầy sóng và gió
Con sáo sang sông bạt gió
Con sít thương ai, lội sông, lội sông ... tìm ai !
Đến đoạn "lội sông, lội sông" đấy thường Tuấn và Văn hát bè, Tuấn giọng cao Văn giọng thấp, thường ngân rất dài, cổ vươn lên như cổ ngỗng, mặt đỏ gay, nhìn rất truyền cảm. Sau đó đến câu: Con sáo sang sông! thì anh em thường đồng thanh hát khá hoành tráng, vang vọng cả khu nhà.
Chủ nhật anh em có thể cải thiện bằng bữa bánh cuốn, trong đó bánh cuốn bà Tỳ ở đầu Bắc Sơn là nổi tiếng hơn cả. Khi đó, rất nhiều xe khách Hà Nội Hải Phòng thường tạt qua đó ăn, xe con đỗ hàng dài (lúc đó chưa có đường cao tốc nên xe HN-HP xuyên qua HD). Gần đây, một cậu bạn tôi có mở nhà hàng trên Hà Nội cũng có một chiêu khá câu khách là mỗi sáng đặt 50 suất bánh cuốn "bà Tỳ" (nghe cứ như thương hiệu mạnh) mang từ Hải Dương lên bán cho khách ăn sáng, hôm nào cũng hết veo từ sớm.
Lại nói về thầy Quang, quả thật khi đó phong cách của thầy rất trẻ, thường giữa buổi học hoặc sau buổi học thầy kéo chúng tôi về phòng thầy ở, thầy hát cho chúng tôi nghe, nói chung khoảng cách thầy trò khi đó gần như không còn. Khi nghe thầy hát, chúng tôi mắt lim dim mơ tưởng về một thế giới sinh viên tràn đầy tươi đẹp. Dạo lớp 12 tôi còn đồ rằng lớp tôi có một bạn gái nào đó yêu thầy, cũng là nghe "Tây đồn" như vậy. Một "chiêu" nữa cũng khá ấn tượng của thầy Quang khi đó là nối điện bằng tay trần, thầy thường đứng trên hai cái bàn, đấu nối dây điện bằng tay không chứ không phải dùng qua kìm, chúng tôi rất kính nể. Sau này chuyển sang khu nội trú mới (chỗ trường bây giờ), thầy kiêm luôn phụ trách mạng điện cho cả nội trú; tôi nhớ có một lần chập điện cháy tứ tung ở khu nhà mới, chúng tôi chạy té tát mà thấy thầy vẫn rất bình tĩnh bắc ghế dò tìm rất "liều". Có một buổi học khi đó tôi nhớ thầy có demo cho chúng tôi xem về tia lửa điện, sau một hồi quay tay hay đại để làm một cái gì tương tự như vậy, tóm lại là đấu nối chỉnh sửa cũng khá mất thì giờ, các tia lửa điện bắt đầu bắn tạch tạch. Thầy có đưa tờ giấy trắng qua vài lần và cho chúng tôi xem, trên đó có rất nhiều lỗ nhỏ li ti. Có một cậu hỏi đùa thầy rằng cho tay qua có sao không, tôi thấy thầy cười và bảo là thầy cũng chưa dám thử lần nào.
Cùng khóa thầy Quang còn có một cô cũng mới về là cô Hằng, dạy văn, khi đó cô Hằng trông khá xinh và trẻ, khi dạy cô cũng hay đỏ mặt. Lớp tôi có cậu Tuấn cũng khá táo tợn, thỉnh thoảng đến muộn còn chào: "Thưa cô em... vào lớp". Tôi cũng không biết cô có để ý không nhưng khi đó cậu ta thường khoe với chúng tôi như một thành tích.


Sau khi viết và có lúc đọc lại ba bài trên và cho rằng mình viết có đôi chỗ thiếu sót, tuy nhiên, cảm giác sửa lại một bài trên diễn đàn làm tôi không hứng thú, vả lại các thiếu sót đó cũng không đến mức to tát lắm. Ví dụ như phần văn hóa văn nghệ thì tôi quên không đề cập đến một khía cạnh đó là nhạc vàng. Tôi nhớ có một anh tên là anh Lương, học trước tôi một khóa thường rất hay hát bài "Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn", thường cứ bắt đầu hát là anh ta hát bài đó. Những bài của Chế Linh, Tuấn Vũ, khi đó khá phổ biến và chúng tôi cũng thuộc khá nhiều. Mặc dù đây được coi là "dòng nhạc vàng" và sau này có bị đánh bật bởi "làn sóng xanh" nổi tiếng nhưng tôi vẫn cho rằng trong đó có khá nhiều bài hát tình cảm. Gần đây, nhiều ca sỹ, nhạc sỹ trẻ khá nổi có vẻ có xu hướng "dùng lại" các ý hay ở dòng nhạc này.
Lại kể về Văn, tôi nhớ rằng khi đó cậu ta dù học lớp Anh nhưng nổi tiếng toàn trường vì một truyện ngắn rất đặc sắc, sau này nghe nói được đăng trên báo tỉnh, rồi báo "Trung ương". Đại để truyện kể về một cái hạt, bị chim chóc hay ai đó ăn quả thả ra một bãi đất, bãi đất nằm trong một khu nhà mà có 4 nhà quay lưng vào nhau. Cái hạt lớn lên, mọc thành mầm, thành cây, tràn trề sức sống rồi đến một hôm bị một người đàn ông mang rìu ra chặt mất. Mặc dù tôi kể ở đây có vẻ hơi thô thiển nhưng câu chuyện cậu ta viết lại rất hấp dẫn, một phần cũng là cậu ta biết cách truyền tải cảm xúc (ví như mô tả hạt cây nẩy mầm, rồi sung sướng đón trào ánh nắng ban mai, đón chào giọt mưa xuống, rồi vươn cành đứng lên...), đồng thời cũng nhờ một văn phong khá chuẩn mực và trong sáng. Mặc dù được đánh giá là truyện khá hay, nhưng các thầy đọc xong truyện thì có vẻ buồn, có thể buồn vì "thế giới quan", "nhân sinh quan", .. hay đại để cái gì đó giống như lập trường là "thiếu tính chiến đấu", "tính cách mạng" gì đó; rồi có một thầy có gặp Văn và khuyên rằng nên để cái cây này sống, rằng em để nó chết thế thì tội nó quá. Cậu Văn này thì cũng ngang, quyết không chịu sửa, cuối cùng cậu ta bảo: "cây này mà không chết thì truyện của em nó sẽ chết". Sau này, khi đã học đại học Văn có tâm sự với tôi là truyện được cậu ta viết nhưng là tình cảm cậu ta dành cho bố cậu ở giai đoạn trước đó khi bố cậu còn làm nhân viên quèn ở một nơi rất "không có tương lai" (sau này bố Văn cũng đã thể hiện được đúng "đẳng cấp" và vị trí của mình, ông chuyển lên Hà Nội và có thời gian làm Viện trưởng Viện nghiên cứu sân khấu, nay đã về hưu).
Giai đoạn tôi sống ở đó cũng có một vài kỷ niệm buồn về một cậu học sinh đặc biệt xuất sắc tên là H.. Cậu này học sau tôi một khóa và nổi tiếng học rất chăm và giỏi. Đến tận bây giờ, kể cả khi học ở Bách Khoa có rất nhiều nhân tài, có những anh suốt ngày ngồi giảng đường, luôn đứng đầu hàng buổi sáng tranh chỗ trên thư viện, hoặc có những anh chuyên dậy 4-5 giờ sáng học tiếng Anh và nhổ nước bọt toèn toẹt xuống nền nhà (do ký túc chưa bơm nước đánh răng) ...nhưng tôi có cảm giác chưa ai chăm bằng cậu này. Không những chăm mà cậu ta còn học như một cái máy, đúng giờ giấc. Thậm chí, việc ăn, ngủ, nghỉ dường như lên lịch một cách chính xác từng giây, đặc biệt là cậu ta gần như không thể thao. Tuy nhiên ưu điểm của cậu là học rất giỏi, vẫn dành thời gian chăm chút bản thân nên khá sạch sẽ, béo, khỏe. Tuy nhiên, có dạo cuối năm cậu học lớp 9, cậu ta tập trung ôn luyện quá sức, nên có vấn đề về thần kinh. Nhiều hôm, chúng tôi đi học thấy cậu ta lang thang trong sân trường, rồi đi ra ngoài đường. Có hôm, tôi còn thấy cậu ta đứng chăm chăm nhìn xuống... dòng nước cống đang chảy. Sau này, gia đình có đưa cậu đi chữa trị và sau đó, với sức học vốn có, cậu ta lại đỗ thủ khoa đại học một trường nào đó khá tiếng tăm.
Để thư giãn đôi chút, có lẽ tôi nói một chút về một vài "mỹ nhân" trong giai đoạn đó. Theo chúng tôi đánh giá hồi đó thì xinh nhất là một cô bạn tên là Mỹ, học lớp văn. Ngoài ra, khóa tôi cũng có khá nhiều bạn thuộc loại "được" như Vân (Văn), Hòa (Toán Lý), Tú (Anh)...Ngoài ra, còn một số em khóa sau tôi cũng không nhớ chính xác. Cô Mỹ hình như nay đang ở Mỹ, có thể gọi là "nghiêng nước nghiêng thành" khi đó, đến bây giờ tôi vẫn mường tượng trong đầu là thuộc loại rất đẹp.
Có một kỷ niệm thế này chúng tôi không thể quên: số là sau khi thi tốt nghiệp xong, chúng tôi có liên hoan chia tay, gọi là "thất học", sau đó các lớp giao lưu và cuối cùng rủ nhau về khu nội trú (trường NT bây giờ) chơi. Dạo đó trường còn mới đang chuẩn bị khoan thăm dò để làm móng. Không hiểu khoan thế nào mà khoan phải một .. quả bom. Thế là cả đội khoan (dùng tay đẩy đi xung quanh) tá hỏa chạy mất dép, trường lại phải thuê một đội dò mìn bên tỉnh đội về dò, sau này hình như đào được hai quả, để chềnh ềnh ngay trước cửa hàng tuần liền, sau đó mới được mang đi tiêu hủy. Lại còn một "trục trặc" nữa là mồ mả, vì nơi đây trước kia là một bãi tha ma của bên Công giáo thì phải. Khi đó tôi thấy bên xây dựng đào lên khá nhiều mộ, cỡ hàng chục cái, họ để ngay bên miệng hố (trước chỗ chúng tôi ở khoảng 10-20 m), rửa xương, xếp vào các tiểu chờ mang đi. Thế mới có chuyện khi chúng tôi liên hoan về khu nội trú thì hương khói vẫn nghi ngút, đỏ rực cả bãi trước khu nội trú, trông rất ghê. Vì vậy, sau một hồi rải chiếu ngồi tâm sự ở sân, mọi người rủ nhau sang cơ quan bên cạnh, rồi ... trèo lên tầng thượng chơi. Chúng tôi đang đứng lâng lâng gió mát, trăng thanh, trò chuyện vui vẻ ôn lại một số kỷ niệm ...thì bất ngờ thấy nhốn nháo ở dưới. Hóa ra là bố của Mỹ tới tìm con gái (vì là con gái rượu nên chắc rất lo). Không hiểu khi đi vào thế nào lại gặp bảo vệ, hai bên lời qua tiếng lại, rồi họ phát hiện ra chúng tôi trên tầng thượng (nhà 3 tầng), bảo vệ rất tức tối liền gọi điện cho thầy Ân (khi đó là hiệu trưởng) tới để "làm cho ra lẽ". Thế là chúng tôi lại phải tá hỏa ra phân bua rằng thì là mà không liên quan gì đến nhà trường ở đây, rằng là thế này thế nọ... họ mới để yên cho. Thế là mất toi của chúng tôi một kỷ niệm đẹp trong đời.


Nhân kể về mỹ nhân số 1 hồi đó là Mỹ, còn chuyện nữa là sau này tôi nghe nói cô đó cưới một anh doanh nhân người Ấn Độ. Ở giai đoạn đó, các hoa khôi cưới ngoại quốc hoặc Việt kiều có vẻ đang là mốt và dường như trong giai đoạn đói kém đó, những người phụ nữ xinh đẹp chịu sức ép khá lớn từ phía gia đình, họ hàng trong việc quyết định hạnh phúc của mình. Sau đó vài năm, tôi còn nghe một cô đồng nghiệp kể chuyện rằng cậu bạn người Pháp của cô rất phàn nàn về việc cậu ta chỉ quen được một số cô gái Việt khá "kém" về mặt hình thức, mà theo cậu ta nói thì bạn cậu ta cưới được một cô gái Việt rất xinh. Bây giờ thì mấy anh Ấn độ đen và "bẩn" có vẻ không còn sức hấp dẫn nhiều như những năm tôi vừa kể đó.
Khó khăn trong cuộc sống cũng in dấu ấn trong việc đi lại, khi đó chúng tôi đi nhiều bằng xe đạp, ai ở gần thì cuối tuần, cuối tháng thường rủ một hội đạp xe về nhà, ai ở xa quá thì thường đi xe khách. Nhóm chúng tôi ở Chí Linh có 4 chị em, thường thỉnh thoảng ra nhảy xe khách hoặc xe tải về. Nhiều khi ít xe, phải nửa nằm nửa ngồi trên thùng xe chở lẫn cả cám, gạo và... sọt nhốt lợn. Nhiều khi nghĩ lại vẫn thấy kinh.
Có vẻ như trong một số bài trên, tôi rất ít đề cập đến kỷ niệm về các thầy cô giáo, quả thực đến bây giờ tôi cũng không nhớ hết được vì cũng đã lâu rồi. Khi đó thầy Đang (Toán), chủ nhiệm lớp tôi, còn mới chuyển về, cô Hà (Hóa), thầy Quang (Lý) cũng mới dạy năm đầu ở trường, cô An (Hóa, nhà giáo Ưu tú ngay từ những đợt phong tặng đầu) mới về hưu; và khá nhiều sự thay đổi nhân sự trong những năm sau đó như: Cô Thủy (Lý), thầy Văn (Toán) dạy chúng tôi sau đó cũng chuyển lên Hà Nội, thầy Dũng (Lý) chuyển ra Hồng Quang... Thực ra không phải là không có những kỷ niệm về các thầy cô, mà thực ra, các kỷ niệm đó đều có gì đó êm ả, nhẹ nhàng, nếu kể những kỷ niệm nổi bật thì cũng khó mà kể, còn những kỷ niệm nhàng nhàng thì cũng chả nên kể để làm gì. Có lẽ tôi sẽ dành một số trang viết khác viết nhiều hơn, vì thực sự, ở những bài viết này tôi chỉ muốn kể lại một vài kỷ niệm đặc biệt liên quan đến đời sống trong khu nội trú và kỷ niệm về bạn bè. Thực ra không phải tôi không quan tâm đến việc học hành, mà ngược lại, khi đó tôi là một trong số không nhiều học sinh tốt nghiệp PTTH loại giỏi.
Tôi còn nhớ khi ra trường bọn tôi có ghi lưu bút, đúng là một "cực hình" vì ngoài hai mấy "mạng" trong lớp tôi còn phải ghi nhật ký rất nhiều cho bạn bè khu nội trú. Khi đó chúng tôi phải tranh thủ từng giờ từng phút làm việc này, nhiều khi thường mở đầu bằng câu: "A. thân mến, đến lúc này thực sự tớ không biết ghi gì vào cuốn sổ của cậu..". Tôi còn nhớ mang máng Long có ghi vào sổ lưu bút của tôi đại ý là:".. thân mến, hôm nay tao ngồi cởi trần trên giường thằng Lực trong cái nóng thiêu đốt 38 độ khi nội trú mất điện, tao nghĩ rằng..." đại để là như vậy, nói chung cũng chả có gì thơ mộng cả. Rất mừng là trong cuốn lưu bút của tôi lại có một số đoạn các bạn lớp Văn ghi, trong đó có mấy bài thơ rất xúc động về tuổi học trò, kiểu như: "rồi chùm phượng hồng yêu dấu đó rời tay, tiếng ve trong veo xé đôi hồ nước"...khi đó tôi tự nhiên thấy tại sao bao nhiêu thơ hay thế mà họ không đưa vào sách giáo khoa mà dạy! Sau này tôi hiểu thêm rằng có một loại thơ dường như chỉ để ghi vào sổ tay hoặc in trong tuyển tập, nôm na là "tồn tại trong giang hồ", ai cũng thuộc lòng mà không bao giờ có mặt ở mấy cuốn sách giáo khoa khô khan.
Khi đó có một cô tên là Thảo rất xinh đẹp, là học sinh lớp Văn kém tôi 2 khóa, là em họ của một cậu học cùng lớp tôi. Không hiểu cậu này maketing ghê quá làm tôi cũng ngưỡng mộ, đến một hôm tôi "liều mạng" viết một lá thư rồi đạp xe cầm đến nhà cô ta ở Cầu Cất, bày tỏ sự ngưỡng mộ của mình (tuy nhiên không gặp mặt nên tôi gửi lại cho mẹ cô ta). Sau đó cô ta có kể lại với cậu bạn và cậu đó hỏi tôi thăm dò, làm tôi cũng hơi xấu hổ. Sau đó lảng hẳn. Nghe nói bây giờ cô Thảo này đang làm ở Sở tư pháp Hải Dương, cũng là một kỷ niệm đẹp.
Cuộc sống đôi khi cuốn ta theo những đam mê, lo toan cơm gạo áo tiền cũng như một số vấn đề khác mà đôi khi chúng ta không thể dứt ra được. Tuy nhiên khi hồi tưởng lại những chuyện này tôi cho rằng:
Một là, cách sống của một thế hệ dường như bị chi phối khá nhiều ở điều kiện sống, hoàn cảnh vật chất và tinh thần nơi chúng ta học tập, lao động và tồn tại.
Hai là, những điều ta nhớ đôi khi không có nhiều giá trị nhân văn, giáo dục mà đôi khi, đơn giản là nó đến với ta một cách rất tự nhiên, nó nằm ngoài sự tính toán của chính chúng ta.
Ba là, tôi tin rằng, sẽ có lúc mỗi chúng ta phải đối diện với chính mình (ví như khi bạn trải qua một sự kiện trọng đại nào đó trong đời: mổ, bệnh tật, cưới vợ, tai nạn xe cộ...) chúng ta sẽ phải có những hành động mà đôi khi chúng ta không nghĩ là mình sẽ làm.
Thay cho lời kết, tôi hy vọng sẽ có lúc có nhiều bạn bè học cũ (có thể là những đồng nghiệp quanh ta học trên mái trường NT này mà ta không biết) khi nhớ lại những giây phút hào sảng ở trường NKHH cũ sẽ liên hệ và chia sẻ thêm nhiều điều mà tôi tin rằng mỗi người đều có gì đó để gửi gắm.


(Theo NTOnline.ORG)