Mỗi năm, cứ đến ngày 5/9, học sinh Việt Nam lại háo hức đến trường, tham gia lễ khai giảng và bắt đầu một năm học mới tràn đầy niềm vui lẫn thử thách. Nhưng không phải quốc gia nào trên thế giới cũng tổ chức lễ khai giảng vào thời gian này. Mỗi nước đều có những nét không trùng lặp về văn hóa và hình thức để bắt đầu năm học mới rất riêng. Hãy cùng chúng tớ làm một tour du lịch vòng quanh thế giới để khám phá lễ khai giảng ở các quốc gia khác nhé!

  1. Nhật Bản

      Tại đây, buổi khai trường thường diễn ra vào đầu tháng 4. Đến với đất nước hoa anh đào, ta biết đến một lễ khai giảng giản dị mà sâu sắc: không cờ hoa rợp trời, không có bàn ghế đại biểu, không có phông màn, không có loa đài ầm ĩ, không có quan chức hoành tráng, không có phụ huynh lũ lượt váy áo, không có bục sân khấu trang hoàng, càng không có những bài phát biểu khoe thành tích.... Thay vì phát biểu nghiêm trang thì hiệu trưởng dặn dò các học trò ba điều giản dị mà cần thiết: Một là chú ý sự an toàn giao thông cho cá nhân (vì ở Nhật các học sinh đều tự đi bộ đến trường), hai là luôn giữ sự lễ phép và tôn trọng với dân cư xung quanh trường và ba là biết đặt ra mục tiêu của năm học và ước mơ cho mình. Do vậy, buổi lễ chỉ kéo dài vỏn vẹn trong 30 phút. Đặc biệt, khi buổi lễ bắt đầu sẽ có quốc ca phát lên nhưng không có nghi thức chào cờ và kéo cờ.

 

12201-a5330

Lễ khai giảng ở một trường tiểu học khu vực Nara Itaobashi thuộc thủ đô Tokyo, Nhật Bản.

 

Sau khi dự lễ trong các hội trường, học sinh di chuyển về lớp học. Tại đây, các giáo viên chủ nhiệm tự giới thiệu bản thân trước, sau đó mới đến lượt các em. Cuối cùng, thầy cô cùng cả lớp cúi đầu chào nhau thể hiện sự tôn trọng dành cho đối phương.

 

2. Đức

 

Lễ khai giảng ở Đức

 

      Ở đất nước này, người ta chỉ quan tâm tới lễ khai giảng cho học sinh lớp Một. Điều đặc biệt đầu tiên khiến ai cũng phải ngạc nhiên và thích thú khi đến dự buổi lễ khai giảng tại đây chính là cây kẹo khổng lồ mà bố những học sinh lớp một vác trên tay. Cây kẹo đó hình chiếc nón, và phía trên túm lại bằng một dải ruy băng rất đẹp. Cây kẹo này dài bằng người cậu học trò lớp một, bên trong chứa đầy những cái kẹo, chiếc bánh, cuốn sổ, bút chì, tập truyện đọc,... Con đi trước, bố vác kẹo theo. Mẹ và các anh chị em cùng với khách khứa cười nói đi sau cùng.

 

Tiếp đó, thầy hiệu trưởng sẽ giới thiệu một vài câu về bản thân và gửi lời chào đến toàn bộ mọi người ở đó. Sau nữa thầy cầm danh sách lần lượt đọc từng em học sinh lớp một. Đến tên bé nào, bé đó đứng lên và đi vào phòng hội trường. Tất cả thì vỗ tay rất to để chúc mừng. Các phụ huynh đứng lên tặng kẹo cho con mình còn các anh chị lớn giơ tay ra bắt tay các bạn học sinh lớp một. Khi danh sách đã hết, thầy hiệu trưởng mời toàn bộ học sinh từ lớp hai và những khách tham dự trở vào hội trường. Khi tiết mục cuối cùng chấm dứt, thầy hiệu trưởng một lần nữa đứng lên và nói ngắn gọn lời hứa của mình với các học sinh và phụ huynh có mặt tại buổi lễ, kết thúc ngày khai trường.

3. Nga

 

 

Lễ khai giảng ở nước Nga

 

      01 tháng 09 hằng năm, còn được gọi là Ngày Kiến thức Kỹ năng, đánh dấu ngày đầu tiên của trường học ở Nga. Hoa và ruy băng trắng không thể thiếu trong ngày này theo truyền thống nơi đây.  Ruy băng trắng được đính lên áo hoặc cài trên tóc của mọi nữ sinh. Còn trẻ em mang theo những bó hoa để tặng thầy cô giáo và tham dự một buổi lễ đặc biệt. Buổi lễ kết thúc với tiếng chuông reo để tượng trưng cho "chuông đầu tiên" của năm học mới. Nếu 01 tháng 09  rơi vào ngày thứ Bảy, học sinh vẫn phải đi dự lễ và các lớp học thực tế sẽ bắt đầu vào thứ Hai. Bài học đầu tiên của họ tập trung vào hòa bình, tầm quan trọng của tôn trọng người khác, bảo vệ môi trường và nghệ thuật của hợp tác.

 

  1. Úc

      Ở Úc, ngày đầu tiên của năm học mới là 27/1 (Tuy nhiên bắt đầu từ tháng 9 năm trước, những gia đình có con chuẩn bị vào lớp 1 đã phải điền vào đơn xin đăng ký học cho con, điều này nhằm thuận tiện cho việc sắp xếp lớp học). Đến ngày khai giảng, học sinh sẽ được giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn tập trung dưới sân trường, Ban giám hiệu nhà trường sẽ nói chuyện, chúc mừng và chào đón những học sinh mới. Điều đặc biệt trong lễ khai giảng tại các trường ở đây là không có văn nghệ, cũng không có những lời phát biểu rườm rà, cũng không có đánh trống khai giảng năm học mới như ở Việt Nam, buổi lễ diễn ra vẻn vẹn chưa đầy 10 phút và học sinh thì vô cùng thích thú.

 

Học sinh nước Úc trong ngày bắt đầu năm học

 

5.Mỹ

 

    Lễ khai giảng của một trường tiểu học tại Mỹ

 

 Học sinh xứ cờ hoa bắt đầu năm học vào thời điểm cuối tháng 8 hoặc đầu tháng 9, tùy theo quy định của từng bang. Vào ngày này, học sinh đến trường nhận lớp, gặp gỡ thầy cô và giới thiệu bản thân cũng như làm quen với nhau. Là quốc gia tự do, Mỹ không quá đặt nặng lễ nghi. Thế nên sau khi nhà trường thông báo ngày vào học chính thức, tất cả học sinh và thầy cô tập trung lại rồi vui chơi giải trí. Đồng thời, một vài buổi lễ tuyên thệ được tổ chức nhằm tăng sự quyết tâm trong lòng học sinh.

 

Nguồn ảnh: Mạng

 

 

Tác giả: Hồng Phương - Thảo Chi (sưu tầm)