Liên tục đổi mới vốn là thuộc tính xưa nay và mãi mãi của đất trời, tạo hoá, thiên nhiên, vạn vật. Sự sống buộc phải chấp nhận cái quy luật nghiệt ngã đó của muôn đời: Hoặc là đổi mới để thích nghi, tồn tại và phát triển; hoặc là lỗi thời bị đào thải và diệt vong.

Xã hội loài người, quốc gia, dân tộc, nền sản xuất, nền giáo dục, từng nhà trường, từng con người đều phải chấp nhận cái “luật chơi” bất biến đó: Đổi mới.

Đổi mới cái gì? Đổi mới như thế nào? Đổi mới bằng cách nào lại là những điều không dễ. Đó là đề thi để phân ra đẳng cấp, chọn ra kẻ thắng của cuộc chơi.

Hội đồng Giáo dục nhà trường trong thời kì đổi mới phải kiên định mục tiêu: Đủ sức đào tạo học sinh toàn trường vừa hồng vừa chuyên; hồng về nhân cách – sức khỏe, tinh thần, thể lực; chuyên về năng lực nhận biết – hiểu thông vận dụng, năng động kiến thức vào cuộc sống lao động hiện tại và trong tương lai.

Mục tiêu đã rõ thì phải tìm ra đúng hướng đi. Đổi mới Hội đồng Giáo dục trước hết phải bắt đầu từ đổi mới tập thể lãnh đạo, đổi mới nề nếp quản lí nhà trường. Cần – kiệm – liêm – chính – chí công – vô tư là điều Bác Hồ răn dạy cán bộ (và nhân dân ta) từ thiên niên kỉ trước, nay ta cứ thế mà làm (dù ai gọi đó là tư duy đổi mới hay đó là tư duy cổ điển cũng chẳng sao – chân lý vốn không bao giờ có tuổi tác).

Tập thể lãnh đạo nhà trường phải tự lực tự cường mà nhận lãnh lấy cái việc mình phải làm: Quy hoạch – kế hoạch – thanh tra – kiểm tra mọi việc trong trường. “Cán bộ thế nào – phong trào thế ấy” vốn là câu nói từ thực tế lâu nay. Điều hành việc trường “lấy dân làm gốc”, mở rộng dân chủ để thực hiện tập trung, công khai minh bạch nghĩa vụ và quyền lợi hợp pháp của mỗi người lao động là phương châm của công tác quản lý. Một tập thể lãnh đạo gồm được  những thành viên có tâm – có tài điều hành việc công có ân, có uy thì Hội đồng Giáo dục trở thành nơi để mọi người có cơ hội cống hiến và thành đạt.

Mỗi thành viên trong Hội đồng Giáo dục là một nhạc công trong dàn nhạc toàn trường. Có tâm – có tài để hoà tấu những bản nhạc mới tận tâm với môn dạy của mình để dần dần thành tài, tận tâm trong quan hệ đồng nghiệp, quan hệ thầy trò luôn là các bài nhạc lý cơ bản. Đó cũng là phương châm “Dĩ bất biến, ứng vạn biến” của mỗi người trong thời đổi mới hiện nay.

Trường ta tự hào đã có nhiều thành viên như vậy. Chúng ta phấn đấu để mọi thành viên của trường đều được như vậy.

Thầy giáo Đỗ Mạnh Hưng

(Bí thư Đảng bộ-Phó Hiệu Trưởng)