“ Từng bánh răng thờ ơ trên nhịp vận hành tận sâu trong lòng bạo chúa thời gian, chuông đồng hồ điểm 12 giờ đêm. Nàng Lọ Lem sực tỉnh trong say đắm của tình yêu và những vũ điệu, hoảng hốt rời vòng tay hoàng tử mà chạy đua với kim giây. Nàng đánh rơi chiếc giày thủy tinh. Nhưng may thay, kịp lên cỗ xe, nàng vượt qua tầm mắt hoàng tử, trước khi công chúa của đêm tiệc trở lại thành Lọ Lem thật sự, cùng với những người bạn trong xó xỉnh của nàng…

Chiếc giày thủy tinh, chắp cánh cho câu chuyện bay lên những tầng cao mới…”

Cuốn sách ấy được gấp lại từ 12 năm trước, khi tớ là học sinh cấp 1. Không, nói rằng ít mở ra thì đúng hơn, để nhường thời gian cho sách Toán, sách Văn, sách Tự nhiên-Xã hội…12 năm sau, khi giờ đây cận kề ngày xếp sách giáo khoa vào tủ kỉ niệm, tớ tự hỏi liệu cuốn truyện cổ tích kia, và bao cuốn truyện cổ năm nào, cả những cuốn truyện ngàn trang của kí ức nữa, chúng ở đâu? Có cho tớ niềm hồi hộp và thích thú như khi 6 tuổi hay không? Có sẵn sàng để bàn tay tớ lật mở chăng?

Những câu hỏi chẳng bao giờ có lời đáp, thả vào không gian mà chẳng nghe tiếng vọng. Có lẽ bởi phía xa xăm không có vách núi nào, hay chẳng có vật cản nào cho thời gian. Đã bao giờ các cậu ghen tị với thời gian chưa, khi mà luôn luôn được Thượng Đế ưu ái, đường đua chẳng có đối thủ, và chẳng có lấy một chút chông gai. Ghét, ghét đến vô cùng những con số vĩnh cửu và chai lì hiển hiện trên đồng hồ. Là do nhịp chuyển động chán ngắt của những chiếc kim vô tri ấy cả, mà…

NĂM NAY TỚ 12

CHẲNG PHẢI 12 TUỔI, LÀ LỚP 12, LÀ CUỐI CẤP, LÀ SẮP CHẠM NGƯỠNG CỬA CUỘC SỐNG, LÀ THẤY MÌNH “GIÀ” VỚI CHÍNH MÌNH, NHƯNG LẠI NON TRẺ TRƯỚC CHÔNG GAI.

     Nhắc tới số 12, hẳn có lẽ không mấy ai trong lòng không gợn sóng. “Mười hai”- thanh âm cứ mỗi lần vang lên lại gọi người ta đi vào những nỗi niềm. Có lẽ cũng giống như tớ, các cậu, dù có đang quay cuồng cùng bài vở, “mười hai” cũng đủ sức tạm gói ghém những âu lo và mệt mỏi, bằng cách chạm vào sợi dây xúc cảm đang được che giấu tận sâu thẳm đâu đó trong những-con-người-cuối-cấp. Để rồi khi  rưng rưng giữa những điều đã quen như một phần tất yếu của cuộc sống, chúng ta bất giác lại thẫn thờ, rằng ngày này, năm sau hay vài năm nữa, những thân thương mà tớ sắp kể đây, bị thời gian chôn vùi nơi đâu, hay chính chúng ta đã thay thế bằng cách nào?      

 

12 AM

Người ta bảo thức khuya không tốt cho sức khỏe.

Chúng ta của những-ngày-còn-nhỏ coi mốc 12 giờ đêm như một kì tích đáng ghi nhận.

Nhưng có vẻ như càng lớn, việc thức quá 12 giờ lại càng bình thường hóa. Một tá những lí do để ta không đi ngủ đúng giờ: bài tập về nhà, cậu bắt đầu học muộn, deadline tàn nhẫn hay thời khắc mà người ta khuyên nhau nên đi ngủ rồi, lại là lúc những vi rút của xúc cảm thức dậy, xoa dịu những căng thẳng ngày dài. Thường là những nỗi buồn, khiến dòng suy nghĩ cứ hoài miên man. 12 giờ đêm của năm lớp 12 gắn liền với bài vở, thế rồi giờ tỉnh giấc của cảm xúc cũng lùi lại muộn hơn. Đặt lưng xuống là bao trăn trở, nhớ, tiếc, và thương xâm chiếm tâm trí. Chưa bao giờ ý niệm về thời gian trong tớ rõ nét đến thế. Việc thức dậy vào mỗi sáng trong tâm niệm thời gian vừa bòn rút một ngày bên các cậu khó khăn đến vô cùng. Tớ lại ước giá như sau giấc ngủ ắp đầy kỉ niệm này, đồng hồ quay ngược dòng, và nắng của ba năm trước sẽ đánh thức tớ. Một lần nữa, vẽ lại những năm tháng ở CNT trong veo chẳng thể so sánh với thứ gì.

 

12PM

Trưa. Nắng. Và nóng đến cực độ.

Thực chẳng biết tại sao, 12 giờ trưa không nhắc tớ nghĩ về những ngày mùa đông rét buốt, hay mùa thu ảm đạm đến nao lòng. Cõ lẽ vì nắng, vì ánh mặt trời rực rỡ người ta vẫn hay ví sức trẻ sục sôi cháy bỏng nhưng trong thực tế vét cạn năng lượng ngay từ lúc tớ bước ra khỏi lớp học sau trống tan trường. Vậy mà cũng dưới nắng ấy, đã ba năm rồi chúng ta cùng về, cùng phủ lên mặt đường bụi của niềm háo hức, nỗi bực dọc hay cơ man những nỗi niềm nho nhỏ. Thêm một lần ba năm nữa, cũng 12 giờ trưa, vậy nhưng đường về nhà xa và nắng gắt hơn biết chừng nào khi tớ rời trường đại học, còn cậu khi đang ở tọa độ xa xôi nào trên bản đồ địa lí thế giới, sẽ chẳng biết Việt Nam chỗ tớ nắng như thế nào, vì sự chênh lệch múi giờ đáng ghét đến dương vô cùng.

 

THÁNG 12

Tại sao một năm lại có 12 tháng, và tháng kết thúc năm là tháng 12? Một câu hỏi ngớ ngẩn về những điều hiển nhiên quá đỗi. Nhưng chuyên Nguyễn Trãi đánh lửa cho những que diêm bất thường cháy rực, và cháy sáng mãi suốt những ngày cuối năm tiếp theo. Tháng 12 năm ấy, có một đôi bạn tìm thấy nhau ở căn phòng nào đó nơi 4 tầng nhà C, có hai đứa cố chấp và ngạo mạn ném cho nhau ánh mắt nảy lửa trong nhà để xe có mái hiên như đang cố vươn ra che bầu trời xám xịt nặng nề…Tháng 12 năm ấy, kì thi học kì dìm không khí xuống nốt trầm giữa gió bấc lạnh buốt, thầy, bằng một cách tài tình chúng em nào biết, không chỉ cứu vớt, mà còn làm cho bản nhạc của khí thế học tập luôn tràn tươi vui và khí thế. Đã ai ví von thầy cô là nắng chưa? Nắng của mùa đông, thứ ánh sáng của dạn dày, chín chắn và đầy sức lan tỏa…

 

12 KHỐI CHUYÊN

Thật may mắn cho tớ, khi ba năm cuối cấp được là một mảnh ghép tạo nên chuyên Nguyễn Trãi. 12 khối chuyên-12 toa tàu đồng hành cùng nhau đến ga cuối cùng của chặng 1417. Chuyên Toán, trong mắt tớ là những bộ óc siêu việt, là những tay bóng chuyền cừ khôi. Các chàng trai chuyên Lí, bao giờ các cậu mới thôi lãng mạn đây, khi không năm nào thiếu hoa hồng và lời chúc trên bảng tin lớp học mỗi dịp 8-3. Hóa, sự tỉ mẩn và chu đáo của các cậu làm mình ngưỡng mộ hơn hết thảy. Còn Sinh, các cậu hiểu biết và tinh tế, tớ tin nếu có trở thành bác sĩ, đừng ai nói rằng các cậu đơn thuần đang cầm dao trong phòng mổ, đó là công cụ để thực hiện phép thuật giữa đời thực, của những con người nhân từ và tài giỏi. Về IT, dành cho các cậu hai chữ “khâm phục”, những con người thức thời bậc nhất. Tớ chẳng thể dùng lời hoa mỹ với chuyên Văn, những cô gái sở hữu tất cả: tâm hồn và trí tuệ. Sử và Địa, các cậu là cầu nối của con người với quá khứ và thiên nhiên. Chuyên Ngữ, cánh cửa của thế giới rộng lớn ngoài kia sẽ ưu ái các cậu. Và này A1, những chàng trai cô gái đa tài, màu sắc thứ 12 được pha trộn không bằng một công thức cụ thể nào, rất đặc biệt, rất nổi bật. Chính chúng ta là áp lực cho những cái tôi, những sự tự ti buộc lòng thu bé lại, chỉ còn những cái bắt tay ngầm, rất chặt.

 

12 NĂM ĐẾN TRƯỜNG

“Ghi nhớ”, có lẽ là chức năng của bộ não luôn “hợp tác” với trái tim. Khi lục tìm giữa cơ man kí ức, bất giác chạm tay vào một kỉ niệm, con sóng cảm xúc trong các cậu tự miền xa xôi nào, có vội vàng tràn vào bờ hay không?

Nhưng những ngày cuối cấp, chính kí ức lại là người tìm chúng ta, cảm xúc lại càng thêm phần mãnh liệt.

Có người trong số chúng ta khóc, rưng rưng về một thời mà cậu từng nghĩ thực nhàm chán với đồng phục, cặp nặng sách và những “tiết ngủ”. Giờ thì bộ đồ công sở chờ cậu tự trói mình trong vài năm nữa, công việc đè nặng lên vai mỗi ngày và chẳng ông sếp nào đủ hiền từ tha cho cậu vì “ngủ”. Khắc nghiệt của cuộc sống tương lai làm chúng ta khẽ lo sợ, nhưng những dịu dàng của quá khứ và hiện tại mãi là trợ thủ đắc lực kéo xuống mọi căng thẳng và áp lực giăng khắp lối, có phải không?

Có người bất giác nở nụ cười, khi nghĩ về thời đi học, nghĩ về câu lạc bộ in dấu vết tuổi xanh của cậu dưới mái trường cấp 3, nghĩ về những chiều muộn ở lại trường chỉ ra về khi bác bảo vệ đã bực,…đâu đâu tớ cũng thấy những cánh hoa kỉ niệm trực bung cánh mỏng. Nhưng tiếc thay vài năm nữa, tớ biết sẽ có những bông hoa thu mình lại, rồi dần bị chính trí nhớ của tớ chôn vùi. Con người thật lạ, có thể vô tình vô tâm với những điều mình đã từng thương nhất. Có cách nào, để sắp xếp những yêu thương ấy thật gọn gàng, để dễ dàng nhớ trong muôn vàn cái tên của kỉ niệm hay không?

Và có người trong số chúng ta…

 

và...“TWELVE”

Tớ thích đóng cửa phòng mà theo đuổi những ý nghĩ riêng mình. Về “mười hai”, với những chữ cái của Twelve, hoàn hảo, khi nói về năm cuối cấp:

  • Timelessness: Thời gian của chúng ta không còn nhiều, nhưng thời gian cho những kỉ niệm của thời cắp sách đến trường, vốn bất tận. Chẳng ai đủ sắt đá đem chôn vùi quãng đời đẹp nhất của mình, sẽ ra sao khi tâm hồn ta đã chết từ năm 18 tuổi đây?
  • Warmth: Hơi ấm từ ánh mặt trời của một người thầy cả đời tận tụy vì trò, từ giọng nói có thể trấn an mọi sóng lòng, từ bàn tay cậu siết lấy tay mình chiều mùa đông cuối cùng ở chuyên Nguyễn Trãi…Hơi ấm len lỏi vào từng ngõ ngách tâm hồn mà sưởi ấm cho căng thẳng, áp lực và mệt mỏi những ngày cận kề kì thi.
  • Enthusiasm: Với tớ, cấp ba là thời gian gieo mầm cho nhiệt huyết, chỉ mong cánh tay hăng hái suốt những năm tiếp theo của đời mình, sẽ chẳng vì lí do gì mà hạ xuống.
  • Love: Bước ra từ cánh cổng chuyên Nguyễn Trãi, có ai dám khẳng định mình chưa yêu? Tớ yêu nụ cười của bác lao công những chiều nắng, yêu tiếng bóng rổ đơn độc trên sân những chiều muộn…Ở chuyên Nguyễn Trãi, đâu đâu cũng thấy tình yêu.
  • Vividity: Chẳng có thứ ánh sáng nào chói lọi bằng sự rực rỡ của tuổi trẻ nồng nhiệt, chẳng có màu sắc nào thu hút bằng sức hấp dẫn của những người luôn tràn năng lượng, tự trong sâu thẳm mỗi người trẻ chúng ta, phải chăng luôn có lực hút, vượt qua cả thuyết của Newton?
  • Everything: Tớ sợ việc mình là tất cả của ai đó , áp lực, và không xứng đáng. Nhưng chuyên Nguyễn Trãi, chẳng có gì đắn đo, là tất cả thực sự. Vì ở chuyên Nguyễn Trãi, có những con người làm nên tất cả…

Vậy còn các cậu? 12 của các cậu có gì? Viết cho nhau đi.

(Nguồn ảnh: Hoàng Minh Nguyệt, mạng)

Tác giả: Minh Ánh