“Chẳng có gì là không thể!” Suốt bao lâu nay mình vẫn tin là vậy. Nhưng ở những nấc thang cuối cùng của tuổi 18, có cơn mưa tầm tã ngày qua ngày nuôi cái cây hiện thực trong mình bằng dòng nước mà những mơ mộng dần bị hòa tan. Điều không thể ư? Có chứ! Biết có ai trói chân được thời gian không? Hay tất cả chúng ta đều bất lực trước kẻ tàng hình uy quyền ấy, rồi lại chỉ biết ngán ngẩm lắc đầu: “Sao nhanh thế?”

 

     Nào có ai dạy mình cách níu giữ, rồi sẽ đến lúc mình bước ra khỏi cánh cổng chuyên Nguyễn Trãi mà khi trở lại không phải là 6 giờ 30 phút sáng hôm sau. Nhưng ba năm dưới mái trường này không cho phép mình đi tay không. Có, một chiếc hộp toàn những thứ cũ kĩ xưng danh kỉ niệm; những thứ của hiện tại đang chờ được mã hóa để trở thành kỉ niệm; và có những khoảng trống chờ kỉ niệm lấp đầy. Hộp ấy, mình thích gọi nó là hộp nắng màu buồn. Chẳng ai đựng nắng vào hộp. Cũng chẳng ai nhuộm màu cho nắng. Chẳng ai thích những vi khuẩn buồn gây bệnh nặng dễ sợ. Cũng khó mà tìm được nhà thông thái nào biết buồn thật sự có màu gì. Người ta hay bảo nỗi buồn màu xám, rồi lại màu đen- những sắc trầm và lạnh lẽo. Nhưng ngay trong nắng rực và ấm, buồn vẫn cứ bám víu lấy tâm trạng mình. Lí do buồn mình sao mà kể nổi, vì chính mình cũng không biết phải bắt đầu từ đâu.

 

     Vẫn ngày qua ngày tới lớp, vẫn những nụ cười, vẫn cái rất trẻ của tuổi xanh, nhưng nỗi buồn thì cứ hoài rên rỉ. Và dưới nắng, có một sắc buồn chưa bao giờ sáng như thế: màu be- không chỉ là sắc giấy lưu bút, ấy còn là màu sắc của lát cắt thời gian, ngưng đọng, chờ đợi những giọt buồn trong veo hơn cả pha lê…

Đấy người ta gọi là nước mắt, có phải không?

 

     Nghĩ đến những cái cuối cùng, lại thấy như có lực hút, kéo mọi cảm xúc vương vãi khắp nơi về bên nhau và kết dính thành miền kí ức. Nhiều lúc mình ước giá như lực hút kia vĩnh cửu, giá như bong bóng của những điều xưa cũ đừng vỡ tan, để được cười hoài…Cười ngạc nhiên mình của 16 ngây ngô thế ư, mái ngố và ngớ ngẩn sợ lạc trong ngày đầu nhập học. Rồi mình lại cười và đỏ mặt, lần ấy hăng hái xung phong lên bảng bài khó, ai dè đâu lại buông phấn xấu hổ về chỗ, vì... “nhầm đề bài”. Hay âm sắc tuyệt vời hòa quyện từ tiếng cười của cả một tập thể, cười mà lời xin lỗi cứ hành quân trong tâm trí: Lần ấy cả lớp làm thầy giận, đứng ngoài cửa tới hết tiết, và sổ đầu bài chễm chệ ngồi một chữ “Kém”. Giờ thì mái mình thưa đúng mốt, ít được lên bảng hơn vì thời gian không còn nhiều, cũng chẳng lỗi lầm nào kéo mình ra khỏi chỗ ngồi. Những điều “cuối cùng” chẳng bao giờ hết làm người ta chạnh lòng, cho dù chấm không phải là hết. Dấu chấm đẩy người ta xuống dòng, và buộc phải viết tiếp…

 

     Giờ thì mình nhạy cảm với những điều “cuối cùng” hơn bao giờ hết. Nếu có thể, mình sẽ dang tay ôm hết thực tại vào lòng mà thực sự mãn nguyện. Việc mỗi sáng tỉnh giấc trong tâm thức thời gian đang bòn rút từng ngày của mình ở Chuyên Nguyễn Trãi làm mình chán nản đến âm vô cùng. Nhiều khi bật khóc. Cái âm ỉ của lửa buồn thật đáng sợ. Ấy vậy mà lại thôi. Làm sao được, thời gian có biết rung động đâu mà mình khóc hoài năn nỉ. Mình lại nghĩ phải tạo nên những điều cuối cùng với CNT. Thật đẹp, và thật đặc biệt ngoài việc cả ngày bận rộn cùng đạo hàm, tích phân…để cỏ cây ở đây biết mình, để sân bóng kia không quên những cú ngã của mình, để thư viện nhớ rằng mình hay về cuối cùng, để những ngóc ngách mình và cậu đã cùng đi sẽ nhận ra bước chân chúng mình ngày trở lại. Nhưng cậu thì không. Cậu bảo cậu chỉ thích ngồi đây và làm cái công việc mình cho rằng chán ngắt. Cậu ngắm chuyên Nguyễn Trãi. Cậu thu nhỏ từng sự vật rồi sắp xếp chúng ngăn nắp vào hộp nắng màu buồn. Khi cần sẽ không mất công tìm, và dù cho cậu có đi xa tới đâu, chiếc hộp ấy được vận chuyển bằng đường nào, kí ức cũng không bị vỡ vụn. Hiếm khi nào quan điểm của mình và cậu đi chung đường. Thế mà ba năm, mình chẳng nhớ nổi chúng ta đã quen nhau như thế nào, đã ngồi lê bao nhiêu hàng quán, đã biến bao nhiêu điều đinh ninh giữ trong lòng thành không bí mật. Nếu lỡ không còn chơi với cậu nữa, thì có lẽ những gì mình muốn cậu nhớ nhất về mình, là những lúc yếu đuối, mệt mỏi rã rời và vụng về kìm nén cảm xúc hơn cả. Mình cố chấp với quá khứ, suốt ngày quẩn quanh trong miền kí ức mà cố gắng thu lượm tất cả, nhất là vào những lúc tâm trạng thế này. Có lẽ không phải chỉ buồn, khi xa chuyên Nguyễn Trãi, đồng nghĩa với việc mình và cậu rẽ hai ngả, mấy câu nói của cậu vẫn cứ vô tình làm mình tổn thương sẽ tan vào hư vô. “Ơ này ghen à”, “thằng này nói đùa thôi đừng tin”, “sao nhạt thế”, “con gái các cô thích dỗi nhỉ”. Ba chấm.

“Tớ không cần một chỗ trong hộp nắng của cậu. Tớ sẽ bắt mình trốn trong những kí ức…”

 

     Mình vốn ghét việc ngồi đây và nghĩ về tương lai. Vì thực tại trong tương lai chẳng bao giờ thôi làm mình thất vọng. Chúng mình khóc vì phải xa, hứa sẽ có ngày gặp lại, nhưng rồi lại quên nhau và lấy thời gian mà ngụy biện. Chẳng ai biết liệu 20 năm nữa cuộc hội ngộ có đông đủ hay không? Đứa nào nhà biệt thự? Gặp nhau biết khóc òa hay cười hạnh phúc…Bất giác mình sợ. Rồi mình của một thời vô tư và đầy nhiệt huyết cũng sẽ bị lo toan cuộc sống này chiếm lĩnh. Mình sợ thứ gọi là mệt mỏi ẩn nấp khắp nơi ở con đường nối tiếp tuổi 18. Mệt mỏi ở chuyên Nguyễn Trãi vốn chẳng hề hấn gì với mình, nhưng khi không có đại gia đình này, các cậu và muôn vàn điều diệu kì khác trong lòng chuyên Nguyễn Trãi, mình sợ sẽ gục ngã, hay đứng lên được rồi mà chẳng thể đi tiếp. Thế cho nên mình tiếc đến vô vùng hơn một nghìn ngày là CNTer, khi sắp đến điểm dừng thì cuống cuồng và tham lam giữ khư khư tất cả. Nhưng nào có thể, bất giác mình lại thấy trống rỗng, tất cả vô tư tuột khỏi tay mình. Vậy mà chẳng trách được ai…

 

     Hẳn là có một sợi dây kéo từ thực tại đến tương lai. Có thể gọi đó là tương đồng, dù trong lòng mình nay và mai vốn đã chẳng đội trời chung. Vài năm nữa về trường trong một chiều nắng hạ, đúng như cái cách mình đến với chuyên Nguyễn Trãi, có lẽ vẫn sẽ là cổng sắt nhà B đã han gỉ của năm nào, nhưng sẽ chẳng bao giờ mở ra cho mình uể oải leo lên tầng 4 lộng gió. Rồi mình sẽ nhớ thứ âm thanh của ba năm cuối cấp, là tiếng những-bánh-xe-nhỏ-lăn-khó-nhọc-trong-đường-ray, hai thanh sắt của cánh cửa va mạnh vào nhau, bỏ lại mình mếu máo đứng ngoài vì đi học muộn. Rồi vài năm nữa, có thể khi ở cách Hải Dương này nửa vòng trái đất, những người thầy mới, trong cả cuộc sống và học tập sẽ xuất hiện trên tuyến đường của mình, tại một ga nào đó trong chuỗi hành trình mới của mình hơn 18. Nhưng có lẽ chẳng có ai khiến cảm xúc mình dâng trào đến chấp chới miệng ly như người thầy của cấp 3 nồng nhiệt. Năm ấy mình quay lưng với đội tuyển mải mê chạy theo con đường riêng, thầy không trách, thầy bảo thầy ủng hộ con người có cá tính riêng. Năm ấy thầy hiền như cỏ lau, áo sơ mi hồng và mũ cối đi dạy trong nắng hạ rực trời. Thầy bảo anh này ngoan tôi cho anh vào đội tuyển, giặt giẻ lau cũng được vào đội tuyển. Với thầy, ngoan là đủ. Và năm ấy, cô nói anh này ăn mặc luộm thuộm giống con trai cô quá. Nhưng cô ơi, em là con trai cô mà…

Những xúc cảm về cô thầy , bao giờ cũng khó viết thành lời nhất.

 

     Thế là 12 năm đang bước những bước cuối cùng. 3 năm được cháy hết mình ở chuyên Nguyễn Trãi ở lại. Còn một tháng nữa cho tất cả. Còn 30 ngày cho hơn một nghìn ngày tuyệt vời nhất tuổi trẻ cuồng nhiệt. Hoàn thành hết những điều cuối cùng, lúc ấy mình trở thành “cựu học sinh”. Chữ “cựu” kéo mình đến miền xa xôi quá. Bất giác lòng mình lại trong veo như những lần đầu tiên. Mấy ngày nay những giấc mơ ngắn ngủi mỗi đêm lại dắt tay mình chạy về cùng cơ man những kỉ niệm của thời đi học. Thứ chập chờn trong miên man những nỗi nhớ. Cái lại rõ nét như vừa mới hôm qua. Tâm trạng mình chẳng khi nào thôi hỗn độn, lại khó khăn hơn trong những lúc bận rộn bài vở, thi thử và thực hiện ước mơ thế này.

 

     3 tuần nữa, mình sẽ ôm thầy cô, các cậu mà khóc nghẹn…

     Hơn một tháng nữa, kì thi sẽ cấp vé cho mình sang chặng mới…

     Vài tháng nữa thôi, cậu sẽ lên máy bay, còn mình có thể mỉm cười bước chân vào giảng đường đại học.

     Và cuối mùa hè rực nắng này, CNTer 17-20 sẽ thế chân 14-17. Chúng mình già rồi…

     Này, CNT là ga đầu tiên của thanh xuân các cậu, nhưng là ga cuối của chúng tớ!

Nguồn: (ảnh) Hapman Kelvin, Hoàng Minh Nguyệt, Trang Vũ

Tác giả: Minh Ánh