Sáng thứ sáu ngày 29 tháng 12 năm 2016, sau 2 ngày diễn ra cuộc thi “Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh” tại nhà đa năng trường THPT chuyên Nguyễn Trãi, Sở GD-ĐT tỉnh Hải Dương đã tổ chức bế mạc và công bố giải thưởng  cho hơn 60 dự án xuất sắc thuộc 6 nhóm lĩnh vực nghiên cứu. Đặc biệt ban giám khảo cuộc thi đánh giá cao những đề tài lấy cảm hứng từ chính thực tế đời sống và những sáng tạo khoa học mang tính thực tiễn với cuộc sống của con người.

Đại diện các dự án tham gia cuộc thi “Sáng tạo khoa học kĩ thuật”

       Dựa trên những hiểu biết và thực trạng diễn ra trong cuộc sống, bạn Nguyễn Thị Thanh Thư – lớp 11 Văn đã lựa chọn đề tài : “ Tâm lí đám đông trong thanh thiếu niên hiện nay và giải pháp nhằm tích cực hóa” thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi để tham dự cuộc thi. Chia sẻ về dự án, bạn Thanh Thư cho biết :” Sở dĩ mình lựa chọn đề tài này bởi tâm lí đám đông là một thực trạng tồn tại khá phổ biến trong cuộc sống và đặc biệt là tầng lớp thanh niên trung học phổ thông: chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của tâm lí bầy đàn theo hướng tiêu cực, có thể gây ra các tệ nạn xã hội. Theo mình, đây là một ý tưởng khá mới mẻ và thú vị vì mọi người còn chưa thực sự hiểu rõ về bản chất hay tác hại mà nó đem lại.”

Bạn Thanh Thư (thứ hai từ trái qua) trong cuộc thi “ Sáng tạo khoa học kĩ thuật dành cho học sinh trung học cấp tỉnh”

       Tâm lí đám đông là một hiện tượng mà trong đó cảm xúc, tình cảm, suy nghĩ, lời nói, thái độ, hành vi của một cá nhân bị tác động rất lớn bởi những người bên ngoài, sự tác động đó lớn tới mức cá nhân có thể “đánh mất chính mình”, có những cảm xúc, thái độ, hành vi mà lúc ở một mình họ không thể nào có được. Thông qua phiếu khảo sát nhỏ với 540 bạn thanh thiếu niên có thể thấy rõ tầm ảnh hưởng của tâm lí đám đông với mỗi người bởi 84,3% các bạn đều quan tâm đến cách nhìn của người khác về mình và 15,7% còn lại là không. Tâm lí đám đông là một thực trạng tồn tại trong xã hội và phạm vi hẹp hơn là trong môi trường giáo dục. Nó gây ra những tác động tiêu cực như tình trạng bạo lực học đường, gây mất đoàn kết hay hiện tượng chia bè kéo cánh, tạo môi trường học tập không lành mạnh cho học sinh. Tuy nhiên, vẫn có thể tìm thấy những giải pháp nhằm khác phục tối đa những tác hại của tâm lí đám đông. Mà trước hết theo bạn Thanh Thư đó là phải tôn trọng và khuyến khích cá nhân mạnh bày tỏ cái “tôi” cá nhân của mình. Đồng thời đánh thức và bồi dưỡng tinh thần nghĩa hiệp, dám tố cáo, đấu tranh chống lại cái xấu, cái tiêu cực

Dự án “Tâm lí đám đông trong thanh thiếu niên hiện nay và giải pháp nhằm tích cực hóa”

       Tuy tồn tại nhiều tiêu cực nhưng trong dự án cũng nêu rõ những mặt tích cực của tâm lí đám đông đặc biệt là sử dụng tâm lí đám đông trong việc đưa ra và hướng con người tới điều thiện, điều tốt hoặc trong công tác dân vận, trong các phong trào thi đua lành mạnh. Như vậy, có thể thấy đây là một trong số những đề tài thú vị, nghiên cứu về tâm lí con người để thấy rõ được đặc điểm và tác hại của tâm lí đám đông. Cuộc thi cũng đã đem lại rất nhiều những trải nghiệm mới mẻ, đồng thời phát triển tư duy sáng tạo, kỹ năng quan sát và sự năng động cho học sinh. Kết thúc cuộc thi, bạn Thư chia sẻ :”Tham gia cuộc thi mình có cơ hội được thể hiện quan điểm, ý kiến của bản thân về một vấn đề nhức nhối trong xã hội đồng thời còn giúp mình có thêm kinh nghiệm diễn thuyết trước đám đông. Hơn nữa đây không chỉ là trải nghiệm mà còn là thử thách thú vị đối với một học sinh chuyên văn như mình. Dù không đạt được giải cao trong cuộc thi nhưng điều khiến mình cảm thấy thích thú là dự án được nhiều người quan tâm đến. Mình cũng đặc biệt gửi lời cảm ơn đến cô lê Thị Thu Huyền – giáo viên hướng mình trong dự án này.”

Bạn Thanh Thư và cô giáo Lê Thị Thu Huyền

       Cuộc thi “ Sáng tạo khoa học kỹ thuật dành cho học sinh trung học” là phong trào ý nghĩa nhằm khích lệ tư duy sáng tạo,sự năng động, nhiệt huyết của tuổi trẻ, đồng thời giúp phát triển hơn nữa những dự án, đề tài mang tính thực tế với đời sống con người, tạo cơ hội cho những học sinh, sinh viên có niềm đam mê với khoa học, kỹ thuật.

 

Tác giả: Hà Phương