“Cuộc đời, ai cũng có những câu chuyện rất thật”. Những câu chuyện về tình yêu, tình bạn, về những người đã gặp, về những con đường ta đã đi. Và tôi, 16 tuổi, đang có những câu chuyện như thế.
Vì …
16 tuổi, tôi là học sinh Nguyễn Trãi.
16 tuổi, cuộc sống thực sự bắt đầu.
Tôi bước ra từ trường Tân Bình, vô danh, nhỏ bé, khép nép bên cư gia rộng lớn của Nguyễn Trãi. Từ những tháng ngày “ôm song cửa sổ ngước nhìn tòa nhà màu xám khổng lồ bên kia hàng rào”, cho đến ngày có thể đường đường chính chính bước vào dưới cổng trường hình cánh chim, thật sự là một giấc mơ thành hiện thực. Và lần đầu tiên tôi có thể tin tưởng vào bản thân, bây giờ và cả sau này. Một số người có quan điểm khác cho rằng đó là sự ngạo mạn bảo thủ. Với tôi nó đơn giản chỉ là việc tìm kiếm không ngừng những khả năng vô tận của con người, tự tin vào nó có thể dẫn ta đến đích thành công. Khi ta có tài năng, ta có quyền tự hào vào nó một cách chính đáng, tất nhiên là không vượt qua giới hạn khiêm tốn ôn nhu.
Và câu chuyện của tôi đã bắt đầu trên những con đường dài qua bãi cỏ xanh mượt, trên bậc cầu thang lặng im qua bao đời học sinh, bên cánh cửa gỗ màu cam cũ kĩ, trong phòng học 10 Địa có 35 con người về một nữ sinh 16 tuổi đang học cách trưởng thành, luôn ngẩng cao đầu luôn đầy ắp những tham vọng, không ngừng tìm kiếm cho mình một giá trí đích thực. “3 năm ngắn ngủi, tôi không muốn hoài phí tuổi trẻ của mình vào những thứ phù phiếm”.
Trước kia, 1 cựu học sinh Nguyễn Trãi từng nói với tôi rằng: “Thật sự, chị cám ơn thầy cô và bạn bè nơi ấy nhiều lắm. Họ đã thay đổi con người chị.” Tôi không hiểu. Bản thân không phải một người có thiên hướng tình cảm, thậm chí còn cho đó là một sự uỷ mị không đáng. Cho đến khi tôi được tiếp xúc với con người nơi đây. Họ khác biệt. Ở họ có “thần thái” của tri thức, văn minh, gần gũi và tôn trọng lẫn nhau. Không còn những ranh giới mà tôi vẫn lo sợ: giữa kẻ giàu và người nghèo, giữa cái giỏi và cái kém, thậm chí mối quan hệ giữa thầy cô và học sinh cũng trở nên gần gũi đến bất ngờ... những điều mà tôi chưa từng thấy trong suốt 9 năm học đường.
Điều đầu tiên tôi ấn tượng với những giáo viên chuyên Nguyễn Trãi là nhiệt huyết. Họ mang đến một tình yêu kỳ lạ với các môn học cho mỗi học sinh. Thậm chí cả những môn học mà theo đánh giá khả quan, đó là những môn có tỉ lệ học sinh ngủ gục hoặc mệt mỏi như văn hay sử, lại trở nên sôi động và hứng thú hơn bao giờ hết. Bạn tin không khi tôi nói rằng, “Lịch Sử” là câu trả lời được sử dụng nhiều nhất cho câu hỏi “Em thích môn gì?” trong bài kiểm tra khảo sát đạo đức cuối năm mà chúng tôi đã làm? Hay bạn có tin không khi tôi nói rằng Văn học đã thay đổi con người tôi chỉ trong năm tháng ngắn ngủi? Tôi đã nhìn thấy sự lặng im của những hàng cổ thụ bên đường phố lúc tan tầm, tôi nghe thấy tiếng thở dài mệt nhọc trong lời ru của bà mẹ ẵm con bên hiên nhà, tôi đã từng dừng chân giữa dòng đời xô bồ vội vã để chạm tới những vẻ đẹp bình dị đang tồn tại xung quanh... Không chỉ vì văn học có cái kỳ diệu của nó, mà còn qua lời giảng trầm ngâm và sâu sắc về sự đời của người giáo viên. Qua đây, tôi cũng xin gửi lời cám ơn chân thành nhất tới con người có phép màu nhiệm ấy mà tôi vẫn luôn thần tượng: cô Nguyễn Thanh Huyền. Dù trong thời gian không dài, nhưng tôi vẫn thấy thật sự may mắn khi được làm học trò của cô. Chắc chắn suy nghĩ ấy không chỉ có ở riêng tôi, và không chỉ với riêng cô...
Qua chuyện thầy, đi tiếp đến chuyện bạn. Lớp tôi, ba mươi lăm con người chuyên Địa khoá 14-17 giống như một mớ hỗn độn thú vị vậy. Đó là sự kết hợp hoàn mĩ bởi vị ngọt ngào của con nít, vị cay nóng của tuổi trẻ với mùi hương đầy quyến rũ của sự náo nhiệt đến điên rồ và cái ấm áp của tình bạn. Thậm chí, một kẻ luôn tự cô lập chính mình như tôi còn bị cuốn theo dòng xoáy bất tận ấy, để rồi kết thúc một năm học, tôi không thể phủ nhận rằng: “Mình đang dần yêu quý đám “hỗn tạp” này mất rồi.’’ Thật là tệ khi mà tôi không thể thoát ra khỏi bản tính tham vọng và đố kị của mình, khi tôi không thể ngừng việc nhìn tất cả chúng bạn xung quanh bằng những toan tính và căn bệnh thành tích kinh niên. “Tại sao phải sống tách biệt? Bọn lớp mình cũng tốt mà?” Một người bạn đã hỏi tôi như vậy. Nhưng,“Những người bạn tốt”- có lẽ đó mới là điều tôi sợ. Gía mà tôi có thể tìm được con đường đúng để thoát khỏi chính mình khi lạc lối giữa những dự định và tính toán.
Một số hình ảnh của lớp 10 Địa
Tuy vậy, cũng có một nơi mà tôi có thể làm chính mình mà không có bản chất tồi tệ ấy đấy chứ. Đó cũng là phần tuyệt vời nhất trong câu chuyện này: khi tôi gặp NT ART CLUB- CLB Nghệ Thuật của Nguyễn Trãi. Tôi đã nói rằng mình có năng khiếu hội hoạ chưa nhỉ?! Còn gì tuyệt hơn khi được hoạt động trong một cộng đồng có chung đam mê,chung tư tưởng,chung suy nghĩ??? Chúng tôi có nhà lãnh đạo năng động và nhiệt huyết,những thành viên tài năng và hài hước, một gia đìng không lớn nhưng tình yêu thì không thể đếm xuể. Với ART, không chỉ mở rộng tầm nhìn của mình trong lĩnh vực nghệ thuật, mà tôi nhận ra mình còn có thể cười, không ngượng nghịu, không giả tạo, mà vô tư- những niềm vui thật sự. Họ đã cầm tay và kéo tôi ra khỏi những ngày tháng lặp đi lặp lại như cuốn băng có sẵn kịch bản. Và từng giây phút tôi ở bên mọi người, sẽ mãi là những kí ức “khắc cốt ghi tâm”, dù trước sau có thế nào đi nữa.
Quỳnh Anh cùng các thành viên trong CLB Mỹ thuật
CLB Mỹ thuật trong Ngày hội CNT - CNT's day
Tác giả: Nguyễn Quỳnh Anh