Tháng 6 năm 2017
Tháng mà đại quân cảm xúc hành quân qua những cuộc đời giữa thế gian.
Tháng 6, tháng mà nắng nóng nhấn chìm những mơ mộng, trứng rán được trên vỉa hè. Người ta ra đường bịt kín, vì nắng sẵn lòng thiêu đốt. Người ta khó chịu, bực dọc, vì nắng có lúc nào thôi nhăn nhó. Tháng 6 không song sắt, không khóa cửa, tay không nhốt người trong phòng điều hòa, trên giường, tâm trạng chán nản và lười biếng khó tả…
Nhưng tháng 6 cũng là tháng của mùa thi, tháng của những sĩ tử ở hai chặng quan trọng và cam go bậc nhất cuộc đời. Mười lăm, các cậu không được biếng lười, dù bực dọc với nắng nóng tột độ, nhưng những bài thi giữa tháng 6 lại quyết định điểm đến tiếp theo của các cậu, trong hành trình tri thức. Mười tám, các cậu phải đến trường khi lũ học trò khóa dưới hào hứng lên kế hoạch cho những cuộc vui, những chuyến đi, chịu đựng thứ áp lực và căng thẳng có vẻ đang hợp tác với thời tiết đáng ghét. Cấp ba và đại học, những điểm dừng khác biệt, nhưng đều chọn tháng 6 là trạm trung chuyển. Những kì thi, vì thế mà khó nhằn hơn, căng thẳng hơn, vì chính thời tiết, cũng đã là một cuộc thi rồi. Cuộc thi của sức khỏe, ý chí quyết tâm, cả sức mạnh của những giấc mơ đủ lớn.
Thế nhưng suy cho cùng, cuộc đấu không phải lúc nào cũng khắc nghiệt đến vậy, vì phía sau những sĩ tử, có những bóng dáng không tên, chẳng xuất hiện ở trận đấu cuối cùng, nhưng luôn là người “che nắng”, làm cái nắng dịu đi đôi chút.
Tháng 6, và biết ai kể cho hết những câu chuyện về cô thầy – những người đã từng xa lạ, để rồi thành người cha, người mẹ lúc nào chẳng hay, những người song hành trên mọi nẻo đường của học trò, chỉ có điều thầy là người ôm hi vọng mà gieo hạt, nhưng hạt nảy mầm xanh tốt hay héo úa, lại tùy trò, dù thầy khao khát bao nhiêu. Những kì thi, vượt qua rồi, trò trút được gánh nặng. Chúng ta không ai được mặc áo trắng đến trường cả đời. Nhưng đã làm thầy, thì xuyên suốt sự nghiệp phải chịu áp lực đưa trò vượt qua những bài kiểm tra, những cuộc thi lớn nhỏ. Để khi thành danh, nơi tấm bằng tốt nghiệp, nơi danh sách trúng tuyển, tên thầy ở đâu?
Nếu có thể, là trong tim những người trò, là vô hình lướt qua bài phát biểu tri ân ngày cuối cấp… Tình cảm, dù sâu đậm đến nhường nào, cũng không tránh khỏi thứ quy luật phũ phàng của cuộc đời cứng nhắc: thời gian-cũng là một chiếc bóng vô hình, nhưng tàn bạo và chẳng ai thương, không ai mến. Một lần nữa, muốn phá vỡ thứ luật tàn bạo ấy hay không, có nhớ thầy sau những kì thi, chúng ta đau lòng chẳng nói được gì khác: là do trò…
Người ta bảo, nếu ai muốn hiểu lòng cha mẹ, hãy cứ đến cồng trường những ngày thi. Chuyện về một ông bố, bán mấy sào đất vốn giúp cầm cự cảnh nghèo khốn khó, để đánh đổi tương lai cho con đi thi đại học. Chuyện kể một bà mẹ, nhịn ăn để có tiền bồi bổ cho con những ngày thi. Đấy chẳng phải canh bạc, chẳng phải đặt cược, không hề hi vọng đổi trác. Cuộc đời con đi lên, là nhờ cái lưng ngày một còng xuống của mẹ cha, nhờ sự hy sinh và sẵn sàng cho đi. Mà nhắc tới hy sinh, chẳng ai trong chúng ta không mặc định là vô điều kiện. Cô gái dành được học bổng 7 tỉ của đại học Harvard, người ta biết mẹ cô là lao công, biết bố cô đóng biển quảng cáo nhờ sóng tin tức tràn lan nhanh hơn vũ bão. Nhưng lướt qua dòng tin ngắn của trang báo mạng, trong mắt người đời, cuộc đời cha mẹ lại được xếp vào vị trí cũ, chỉ có thế giới của cô con gái là đổi thay. 5 năm, rồi 10 năm nữa, người ta chỉ quan tâm cô tiến sĩ từ Harvard giúp ích cho đất nước ra sao, đạt được những thành tựu gì, không ai hỏi cha mẹ cô thế nào, vì họ, là những-người-không-ai-gọi-tên…
Mùa thi, và những câu chuyện không hồi kết.
Sự giúp đỡ chỉ đến từ những người quen biết ư? Tháng 6, câu trả lời là “không”. Có những người chưa từng đi qua cuộc đời bạn, nhưng họ đã đi qua những khó khăn của bạn ở thì hiện tại. Mang danh những-người-đi-trước, họ, là một phần của trường thi, là màu áo xanh tình nguyện, là người tìm cho bạn chiếc máy tính khi gặp sự cố, là người chỉ dẫn nhiệt tình không đòi hỏi, người động viên am hiểu, là nụ cười vô giá tặng bạn khi ra khỏi phòng thi…cũng là người đồng hành, dốc lòng cho những bài học của bạn những ngày cận kề cuộc chiến cuối cùng. Không phải cứ máu mủ ruột thịt mới yêu thương nhau, sống trong xã hội này, nếu ai biết yêu và sẵn lòng yêu, thì nơi đâu cũng là gia đình. Vượt qua kì thi cam go này, có một gia đình mới chờ các bạn, tin không?
Câu lạc bộ "Ngày mai tươi sang" - nơi có những sinh viên sẵn sàng dạy kèm miễn phí cho những học sinh nghèo vượt khó ôn thi đại học
Và có câu chuyện về một người chẳng bao giờ, và chẳng có ai biết tên: Bác bảo vệ. Cậu tự hào với đám bạn bè, rằng mình thuộc hết tên tuổi mấy anh ca sĩ Hàn, Trung, biết họ thích ăn gì, cao bao nhiêu, ngày đi đến những đâu…nhưng cô lao công hay bác bảo vệ mái trường theo học từng ngày, cậu hẳn đã biết tên chưa? Làm bảo vệ không có hè, có khi trong hè còn bận rộn và vất vả hơn…
Mùa thi, muôn vàn xúc cảm lẫn lộn, muôn sắc màu của những câu chuyện, và muôn người không tên. Họ, dù là ai, cũng đều dốc sức hi sinh, cho 90 phút nặng nề trong phòng thi của bạn, cho cuộc chiến cuối cùng là của bạn, mà khi chiến thắng, họ là một phần, nhưng vô hình, và không tên.
(Nguồn ảnh: Facebook, mạng.)
Tác giả: Minh Ánh