Chúng tôi, những đứa trẻ sinh ra ở thành phố, lớn lên ở thành phố, rồi sẽ từ thành phố mà vỗ cánh bay xa. Trẻ con thành phố, những gì thuộc về thôn quê, chẳng biết nhiều. Qua phim ảnh, hay một năm theo ba mẹ về đôi ba lần, rồi lại tiếc hùi hụi lên xe khi chưa kịp khám phá hết vùng đất mà cha chú gửi gắm tuổi thơ. Thôi Tết này lại lỡ hẹn, tạm xếp vùng đất của kỉ niệm ấy vào ngăn kéo dự định, rồi tự dặn lòng mình sẽ trở về, sẽ yêu thương và thấu hiểu. Một Tết phố cũng rất mực ngọt ngào, lại tự hỏi những điều bé nhỏ có gì khác với nông thôn, có làm nên Tết giữa phố thị rất riêng hay không…
23 tháng Chạp, Táo quân chầu trời. Tết hối thúc người ta bằng mâm cơm cúng ông Công ông Táo, bằng cá chép quẫy đuôi trên ban thờ nghi ngút khói hương và trong tiếng rì rầm của lòng thành cầu khẩn. Điều hấp dẫn lũ trẻ chúng tôi suốt bao năm vẫn là mục thả cá, thả cả mong ước ông Táo sẽ chẳng tâu Ngọc Hoàng lỗi lầm của mình suốt 365 ngày qua.
Có thể định nghĩa Tết theo nhiều cách. Với những cô cậu lớn lên ở thành phố chúng tôi, đó là những ngày chuẩn bị trước thời khắc giao thừa, háo hức và bận bịu. Chẳng bao giờ sắm Tết từ sớm được, vì mẹ đi làm, ba công tác xa. Khi công việc bị đá khỏi tâm trí thì mẹ trở thành người phụ nữ uy quyền mà mọi mệnh lệnh “thét” ra đều phải được tuân thủ khẩn trương trong chuỗi ngày “National Cleaning Days”. Mãi là thế, và năm nào cũng thế, người thành phố mà, 30 mới đi sắm Tết có sao. Mẹ bảo cứ Tết làm mẹ rất mệt mỏi, nhưng chẳng phải Tết cũng làm mẹ vui vì những ngày lũ chúng tôi chưa cao chạy xa bay, mẹ còn người sai bảo?
Tết thu mình trong những nụ hoa đào, trên lá cây mơn mởn xanh tươi. Gió lạnh, mưa phùn và đào quất, chỉ khi ấy người ta mới khẳng định đã thấy Tết. Chợ hoa, một cách bất đắt dĩ, là nơi chụp ảnh tuyệt vời nhất với người thành phố. Lưu lại những bức hình và lưu giữ tuổi xuân, vì Tết vui tươi cũng như một dấu mốc cuộc đời, cũng quan trọng và đáng nhớ chẳng kém ngày sinh nhật. Như lũ trẻ đang giữa tuổi ẩm ương chúng tôi nhủ thầm: “Sau Tết này, mình nhất định sẽ bớt lười hơn”.
Bánh trưng của thành phố là lá dong không lấy từ vườn, là lạt được chẻ sẵn mua ở chợ và bánh gói bằng khuôn vuông vức. Tết giữa phố thị này, nhìn thấy nồi bánh chưng đỏ lửa thì ít lắm, nếu chẳng muốn nói là hiếm, ngày càng hiếm. Nhưng người bán bánh trưng thì nhiều. Mẹ vẫn hay mua để thắp hương cho nhanh. Và lũ chúng tôi không ăn bánh chưng theo cách thường: bánh chưng rán, phải là bánh chưng rán.
Tết mà, đường phố không đông đúc, không náo nhiệt sao gọi là Tết. Nhưng cái đông đúc bất giác gợi nhắc đến phố phường những năm 80, 90 mà chúng tôi mường tượng qua ảnh. Hải Dương, tự trong sâu thẳm nó phảng phất điều gì cổ xưa lắm. Cảm tưởng như chụp một tấm ảnh của thực tại, chỉnh màu một chút là quay lại được tới ba chục năm trước. Thật lạ và thật đáng để yêu mảnh đất địa linh nhân kiệt…
Không quá khác biệt… phải không?
Tết, thích cái cảm giác mặt nóng bừng khi ngồi trước ngọn lửa hóa vàng. Lửa lịm dần, thả vào tờ tiền âm phủ lại bùng lên. Trước cái mờ ảo như những người đã khuất đang hiện về trong tro tàn bay bay, lại miên man nghĩ trí tưởng tượng con người sao mà vô tận. Đúng là “Trần sao âm vậy” mà!
Những bữa cơm cuối cùng cũng là một phần của Tết, thịnh soạn nhất và khoác áo ấm cho những tâm hồn trong thân thể cả năm trời xa nhà hay ngược xuôi bận rộn vì công việc. Người thành phố đôi lúc không quá trọng lễ nghi, bữa ăn từ 28 Tết đông đủ bạn bè hay người thân, cũng được gọi là tất niên rồi.
Rồi Tết của những cô gái tuổi 17 đáng nhớ biết chừng nào khi về bên mẹ- những người mẹ làm nên Tổ quốc anh hùng. Lũ trẻ thành phố đang đứng trước cánh cửa cuộc đời chúng tôi, liều lĩnh và dám thử thách mình, đã có một hành trình không dài, nhưng đáng khắc sâu vào trang kí ức tuổi trẻ. Tự tìm nhà tài trợ, bao người phản đối và không hợp tác,… nhưng chuyến về thăm các mẹ Việt Nam anh hùng như phong bao lì xì giá trị hơn tất cả của Tết Đinh Dậu: niềm vui và trải nghiệm!
“26 tháng Chạp năm Bính Thân , chúng tôi về bên mẹ, bắt đầu bằng việc ăn những chiếc bánh được các mẹ nhét đầy tay, và kết thúc bằng việc nắm tay đi bộ cùng nhau sáu cây số” (Trang Facebook: Chuyện của Diu) Dự án “Về bên mẹ”-ban Nội Dung- CLB NMC Chuyên Nguyễn Trãi
Và có lẽ vì Tết, nên người ta nhân từ và xích lại gần nhau hơn. Người mua hàng chẳng mặc cả nữa, Tết rồi, cho cuối năm của cô bán rau suôn sẻ sớm về với chồng con. Cô hàng xóm đem chia mỗi nhà cái bánh chưng tự gói. Bác xích lô chở cây đào đến tận cửa nhà người mua, nhận tiền công. Nhưng có điều còn quý hơn những đồng tiền cuối năm ấy, là nụ cười của cô chủ nhà, là lời cảm ơn nồng hậu và lời chân thành chúc Tết. Giữa phố thị chen chúc từng phút để sống, vẫn còn những ngọt ngào như thế. Ấy vậy mà có người cho rằng nên bỏ Tết Nguyên Đán, rồi thì gộp Tết tây với Tết ta vào làm một. Biết sao được, ai ngờ một ngày nào đó tất cả chúng ta đều đặt bút kí đồng nhất bỏ Tết. Chẳng còn cách nào khác là tôn trọng thực tại, yêu cái Tết của năm nay biết đâu là năm cuối cùng. Còn với lũ trẻ chúng tôi, ôm khát khao chu du chứ, thích văn hóa nước ngoài và hội nhập chứ, nhưng Tết, trong kí ức và cả tương lai, vẫn cấy vào tâm trí bao háo hức và rạo rực khi nghĩ về.
Viết về Tết, chẳng bao giờ là đủ…
29 Tết, gió se, hoa đào sắp bung cánh mỏng.
(Nguồn ảnh: Phạm Việt Trang, Facebook Trang Vũ, Vũ Quang Anh, Trang Facebook Chuyện vặt của Múc, mạng.)
Tác giả: Minh Ánh