Cuộc sống vẫn chảy trôi mải miết với bao điều bận rộn khó khăn, bao nỗi nhọc nhằn mà mỗi người, trong mỗi cảnh phải oằn lưng gánh chịu, nhưng cuộc sống cũng thật là kì diệu bởi giữa cõi nhân gian này, chúng ta còn có tình yêu!

Vâng, mọi đền đài rồi cũng sụp đổ, mọi tượng thần rồi cũng tiêu tan, khủng bố có thể làm nát vụn tòa tháp đôi ( từng được mệnh danh là nóc nhà của thế giới) của nước Mĩ; động đất, sóng thần có thể biến đất liền thành hoang đảo, giữa thế giới nhiều đổ vỡ mất mát, ta vẫn bình thản để nói với nhau rằng: vẫn còn đó tình yêu, tiếng nói đầu tiên, giọng nói cuối cùng, điều quan trọng nhất để duy trì sự sống...

Hãy cùng đến với một bài thơ xinh xắn của nhà thơ chân quê đất Việt Nguyễn Bính, để cùng tôi suy nghĩ cảm nhận điều này: tương tư...

Có thể nói, trong các nhà thơ mới, Nguyễn Bính được xem là tiếng nói yêu thân nhất, bởi ông đã kế thừa một cách nhuần nhị những nét đẹp của truyền thống dân gian trong việc sáng tạo Thơ Mới. Người ta vẫn thấy trong dòng thơ Quê thời ấy một Anh Thơ thạo về cảnh quê, một Đoàn Văn Cừ giỏi về nếp quê, một Bàng Bá Lân nghiêng về đời quê và một Nguyễn Bính đậm nét về hồn quê. Hồn quê ấy được tạo nên nhờ một phần không nhỏ của thể thơ lục bát, thể thơ dân tộc nhất trong các thể thơ dân tộc. Lục bát với Nguyễn Bính dường như là một sáng tạo thuộc về bản năng, như người ta sinh ra tự nhiên đã có tiếng nói riêng của mình vậy. 

Nhưng hồn quê, chất quê đậm đà nhất vẫn là thế giới cảm xúc của người quê được thể hiện khá sâu sắc trong bài.

Ngay từ bốn dòng thơ đầu những lời yêu đầu tiên cất lên, thật rụt rè, khiêm tốn, nhưng dần dần đã mở ra cả một trời cảm xúc.

Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

Chỉ là bốn câu thôi nhưng đã bao trọn linh hồn thi phẩm. Sức nặng và ý nghĩa của nó xem ra không kém mười sáu dòng thơ sau.

Tâm điểm cảm xúc của nhân vật trữ tình trong mấy câu trên là nỗi nhớ. Không chỉ là người nhớ người mà còn thôn nhớ thôn. Nỗi nhớ đã choán ngợp không gian.Nỗi nhớ ngập tràn tâm trạng. Từ một tư thế, một tâm trạng “ngồi nhớ”, nhưng vẫn khiêm nhường ẩn sau địa danh muôn thuở của làng quê mà ta đã gặp ở ca dao với Thôn Đoài, thôn Đông, đến câu hai, nỗi nhớ như đã có lửa đốt, cháy bỏng, bồn chồn, như muốn phá vỡ thế ngồi bình thản ở bên trên để mà bật dậy đi lại nôn nao, rạo rực: chín nhớ mười mong. Sở dĩ ta có cảm giác ấy bởi nhà thơ đã khéo léo biến đổi thành ngữ Chín nhớ mười thương, chín đợi mười chờ thành chín nhớ mười mong (nhớ nên mong, hai cấp độ).Và hai thanh trắc đi liền kết hợp với sự gia tăng về số từ khiến âm điệu nhớ thương càng thêm da diết.

Ở hai câu trên, cặp đôi: thôn Đoài ...  thôn Đông, một người ...  một người, được đặt ở hai đầu nỗi nhớ góp phần cụ thể hoá nỗi nhớ đến độ sâu sắc. Giữa chúng là khoảng cách giăng mắc nghìn trùng của không gian tâm lý và trạng thái tâm lý.... Nhưng đây là nỗi nhớ đơn phương, chỉ thôn Đoài ngóng vọng sang thôn Đông, một người hướng nỗi nhớ mong về một người nên lời thơ cũng không được bố trí theo kiểu quấn quít, vương vít lại qua như: Ta với mình, mình với ta; hay: Ta về ta nhớ những hoa cùng người, bộn bề, chồng chất. Từ thế tĩnh: ngồi nhớ, chuyển sang thế động: chín nhớ mười mong, cuối cùng lắng đọng lại trong một đúc kết, chiêm nghiệm: Gió mưa là bệnh của giời...Nguyễn Bính quả có tài dẫn dụ, mê hoặc người đọc cuốn vào thế giới muôn hình vạn trạng của con tim khắc khoải yêu đương.

Cái tôi trữ tình ban đầu giấu mặt sau hình ảnh hoán dụ : thôn Đoài ...  thôn Đông để nỗi nhớ được gói kín một cách ý nhị, hương vị ca dao vì thế mà trở nên vời vợi, mơ màng. Nhưng đến câu hai, nó đã hé lộ dần thành đại từ phiếm chỉ: một người ...  một người, để rồi, đến hai câu cuối đoạn, như xôi bỏng bọc lá tươi, xôi bỏng bọc lá tươi càng nóng, cả nhân vật trữ tình và đối tượng trữ tình đều không đừng được phải lộ diện. Không ai khác, đó chính là tôinàng đấy thôi! Anh chàng nhà quê đã lộ ra khuôn mặt kinh thành lãng tử. Và cái nông nỗi chín nhớ mười mong kia đích thị là tương tư rồi! Đến đây, cái địa danh tưởng chừng mang tính phiếm chỉ cho một làng quê Việt Nam tự ngàn đời thôn Đoài, thôn Đông bỗng trở thành một miền không gian của niềm thương nỗi nhớ! Nó được nhân hóa để thành sinh thể có linh hồn, có trạng thái, đa tình ngồi nhớ miên man...

Có phải nhớ thương quá hoá thành bối rối? Nhân vật trữ tình bèn lấy quy luật của tự nhiên để biện hộ, bào chữa cho mình. Hình ảnh so sánh:

Gió mưa là bệnh của giời

Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng

đem lại cho ta cảm giác vừa quen vừa lạ. Quen vì vẫn là một cách mượn hình ảnh thiên nhiên để nói hộ lòng người, nhưng lạ vì cái tôi ở đây đã dám ngang nhiên đối diện với trời trong chuyện... tương tư! Gió mưa là những hiện tượng tự nhiên của trời đất, tương tư là trạng thái tất yếu phải có của tình yêu. Và như thế, tình yêu không là gió mà có thể làm mưa làm gió, thậm chí gây nên bao giông tố trong trái tim biết bao người! Nó phần nào như nhan sắc nghiêng nước nghiêng thành của những giai nhân “ Vũ vô kiềm toả năng lưu khách. Sắc bất ba đào dị nịch nhân”  Hình ảnh thơ thật dung dị, tự nhiên mà chứa một nội hàm ý nghĩa không nhỏ...

Nếu Bích Khê chìm đắm trong trạng thái chơi vơi mơ hồ: Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng hồn lên chơi vơi, thì Xuân Diệu Tương tư, chiều… mặn nồng cuồng nhiệt buộc nỗi nhớ phải hiện hình trong câu chữ: Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh/ Anh nhớ em. Anh nhớ lắm em ơi, còn nữ sĩ Xuân Quỳnh thì dịu dàng mà tha thiết: Con sóng dưới lòng sâu/ Con sóng trên mặt nước/ Ôi con sóng nhớ bờ/ Ngày đêm không ngủ được... Quả là mỗi người có một cách bộc bạch riêng, mỗi câu thơ đem đến một thú vị riêng, nhưng bình thản tự nhiên như không mà khiến lòng người não ruột phải kể đến câu thơ này của Nguyễn Bính. Như rễ cây và đất, như gió và mây, như biển và sóng, như bầu trời và ánh sao đêm, nỗi nhớ nồng nàn da diết đã nuôi dưỡng tình yêu, làm đẹp thêm cho tình yêu, và luôn song hành cùng tình yêu, nằm cuộn trong nhau như sóng cồn trong lòng bể...  

Thế nhưng tương tư đâu chỉ là chuyện của nỗi nhớ? Dù nỗi nhớ có là trạng thái điển hình nhất của tình yêu... Tương tư là dạng thức sống động nhất của tình yêu với những biểu hiện vô cùng phong phú, một căn bệnh của phức hợp những cảm xúc. Hãy cùng nhân vật trữ tình đi đến tận cùng những cung bậc cảm xúc ấy trong mười sáu dòng thơ tiếp. Tình yêu song hành cùng nỗi nhớ. Đã nhớ là phải mong, càng nhớ đến khắc khoải bồn chồn càng mong được gặp nàng da diết. Mong mãi mà không gặp thành ra trách cứ vô lý:

Hai thôn chung lại một làng

Cớ sao bên ấy chẳng sang bên này

Vẻ ngoài dường như vô lí, nhưng trong cái phi lí của sự vật lại có cái hữu tình của cảm xúc. Thực ra, đó là cách tạo ra tình huống trữ tình để giãi bày cảm xúc. Hờn trách đâu phải vì ghét? Nếu có quy kết trách nhiệm chẳng qua cũng là bởi quá yêu mà thôi. Và cũng bởi đã quá yêu, quá mong nhớ, ngỡ tưởng bị hững hờ nên sinh ra hờn ngược, trách xuôi. Bên ấy... bên này thật chẳng dịu dàng ý nhị lắm sao? Lại cùng chung lại..tuy Hai bên mà là Một! Thật khen cho anh chàng khéo nói. Gần gũi như thế sao người chẳng sang? Cứ làm như tình cảm tất nhiên phải tỉ lệ thuận với khoảng cách không gian không bằng! Nhưng đây cách một đầu đình/ Có xa xôi mấy mà tình xa xôi? Lời thơ cứ vặn vẹo trong nỗi nhớ thương hờn trách đến khổ sở của một trái tim yêu trót mắc bệnh đa tình không có cách nào hóa giải...Nhưng dù trách móc hờn dỗi, nào nàng có biết cho chăng? Vì thế mà dù cố tình “đóng cũi sắt tình cảm” mình cũng không tránh khỏi thở than:

Ngày qua ngày/ lại qua ngày

Lá xanh nhuộm đã thành cây lá vàng

Chàng cứ đợi, cứ chờ, và thời gian biến thành chuỗi ngày nặng nề thê thảm. Nhịp ngắt 3/3 và sự lặp của một chữ lại tạo cho ta cảm giác thời gian trôi qua hết sức chậm chạp, và ngày mới chỉ là sự lặp lại ngày cũ một cách cách vô vọng, chán nản mà thôi! Qua nhịp bước thời gian, ta có thể nhận ra dòng chảy của tâm trạng. Nhân vật trữ tình như đang ngồi đếm từng bước đi chậm trễ của thời gian. Thời gian càng chậm, tâm trạng càng nặng nề. Tâm trạng càng mỏi mòn nôn nóng, thời gian càng như kéo dài lê thê. Hết một mùa, hết một năm, hết một đời cây, chẳng mấy chốc mà hết nửa đời người. Từ đã chỉ sự hoàn tất một quá trình, chữ nhuộm nghe phũ phàng hơn nhuốm. Cùng chỉ sự tương giao sắc màu, nhưng Nguyễn Du (Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san), Xuân Diệu, ( Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá; Trong vườn sắc đỏ rũa màu xanh), Tố Hữu ( Ve kêu rừng phách đổ vàng), mỗi nhà thơ đã chọn được cách nói riêng phù hợp với nội dung biểu đạt trong từng hoàn cảnh. Trong trường hợp này, Nguyễn Bính không thể thay thế từ nào khác khi diễn tả thời gian nhung nhqua sự thay mầu của cảnh vật. Chnhuộm vừa diễn tả thời gian vừa miêu tả tâm trạng. Nỗi lòng tương tư mà như thắt ruột, mòn gan, héo cả tim, đã khiến lòng người héo hon, đã nhuộm cây héo úa.

Thở than đâu đã hết?  Rồi chàng lại kể lể :

Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai hỏi ai người biết cho

 Hình như, khi người ta sợ người kia không hiểu mình, ấy là khi trái tim ta thầm mách bảo mình đã lỡ nhịp vì yêu, lời thơ được sắp xếp theo lối đảo phách Biết – cho -  ai/ hỏi ai-  người biết- cho thể hiện nỗi day dứt khổ sở của kẻ lụy tình. Ai kia tỉnh táo hơn có thể trách chàng lắm lời, yêu đơn phương làm gì cho mỏi mệt, nhưng trái tim luôn có cái lý riêng của nó. Ngay cả những cảm giác vị giác dễ nhận biết nhất như muối mặn, ớt cay, chanh chua, đường ngọt, mà tình yêu có khi còn làm xáo trộn tất cả:

Muối chua,

chanh mặn,

ớt ngọt,

đường cay...

Miếng gừng thì chát...

Từ ngày xa nhau! ( Ca dao)

Hóa ra, tất cả những sự trách cứ thở than kia đều có lý cả...Việc sử dụng ngôn ngữ nói với mật độ khá dày: bảo rằng, là chẳng, có xa xôi mấy, ai người biết cho...khiến lời thơ mang một giọng điệu riêng, dễ thương và gần gũi... 

Nhưng dẫu thở than hay kể lể dỗi hờn, thì cũng chỉ là mong đến một ngày gặp gỡ mà thôi!

Bao giờ bến mới gặp đò

Hoa khuê các bướm giang hồ gặp nhau

Bến – Đò là cặp hình ảnh quen thuộc của ca dao, nhưng hoa khuê các thì rất lạ. Đây là câu thơ bị coi là kém hay nhất trong bài, nó giống như một khóm hoa Hồng giữa vườn Đào Mai, Mận, có vẻ đẹp nhưng lạc lõng, không phù hợp với hệ thống những hình ảnh cặp bè rất ăn ý trong bài thơ:

thôn Đoài – thôn Đông

Một người – Một người

Tôi – Nàng

Bên ấy – Bên này

Bến – Đò

Hoa – Bướm

Nhà anh – nhà em

Giầu – Cau

 Từ xa xôi đến gần gũi, từ khái quát đến cụ thể, bài thơ đã đi vào lời kết bằng hình ảnh: Giầu, cau thật nhiều ý nghĩa. Cụm từ nhà anh- nhà em thật đằm thắm, và  hình ảnh ẩn dụ Giầu, cau là tín hiệu của hôn nhân, kết hợp với câu hỏi tu từ đã biến bài thơ tương tư thành một lời cầu hôn ý nhị, rất gần với những lời tỏ tình bóng gió xa xưa, mà vẫn rõ nét hào hoa của một nhà thơ Mới:

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

Thật ngọt ngào tình tứ trong âm điệu, thật chặt chẽ trong ý tình, bởi sự trở lại của Thôn Đoài thôn Đông gợi hồn quê đất Việt, sự tất yếu trong thế khó cưỡng lại được của một chữ thì, và cái ỡm ờ diệu vợi trong một câu hỏi: Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?

 Thực chất, tương tư mới là khúc nhạc dạo đầu của tình yêu. Thời gian tương tư là khoảng thời gian đẹp nhất nhưng cũng khổ sở nhất của đời người. Nó đúng là một thứ bệnh khiến ta trở nên yếu đuối, ngẩn ngơ, vụng dại, đôi khi không ý thức được sự hiện hữu của chính mình giữa cộng đồng nhân loại. Hẳn là vô cùng đau khổ...

Nhưng dù khổ đau như thế và hơn thế nữa, cũng chẳng ai từ chối nó bao giờ. Bởi hạnh phúc và khổ đau, ngọt ngào và cay đắng...  Đó là những vị không thể thiếu của tình yêu, thiếu mặt nào xem ra tình yêu chưa đủ vị? Và cũng bởi thế, những bài ca tương tư vẫn còn nhiều lời đồng vọng...


Th.S Bùi Đình Nhiễu

(Tổ trưởng tổ Văn)