Một mùa Trung thu nữa lại dần đến. Nhớ về Trung thu, ta lại nhớ về tuổi thơ, nhớ về những kỉ niệm thời ấu thơ. Lên cấp III, ông bà bố mẹ hay bảo rằng mình đã hết tuổi chờ trăng, phá cỗ rồi. Ngẫm lại cũng thấy đúng, bước sang tuổi mười mấy, con người ta đã có nhiều thay đổi. Dù vẫn được tổ chức Trung thu nhưng cảm xúc, nỗi háo hức xưa kia cũng khác đi nhiều. Tuy vậy, mỗi khi Trung thu tới, tôi vẫn luôn nhớ về những kỉ niệm ấu thơ, với những thức quà mà mâm cỗ Trung thu nào cũng phải có…

 

mam-co-trung-thu-xua-cua-nguoi-ha-noi

Mâm cỗ Trung thu truyền thống của một gia đình khá giả vào thế kỷ 18

 

1.Bánh Trung thu

Đương nhiên, nhắc đến Trung thu, ai cũng sẽ nghĩ đến bánh Trung thu đầu tiên. Những chiếc bánh tròn trĩnh tựa vầng trăng rằm tháng Tám, tượng trưng cho sự viên mãn tròn đầy, cho hạn phúc gia đình ấm áp, trọn vẹn. Chính bởi điều này mà bánh Trung thu là món ăn, món quà có giá trị tinh thần không thể thiếu trong ngày Tết Trung thu, cũng như trong mâm cỗ của trẻ nhỏ.

Bánh Trung thu thường có hai loại: bánh dẻo và bánh nướng.

Những chiếc bánh dẻo được làm từ bột nếp trắng tinh nhồi với đường và nước hoa bưởi thơm lừng, đúc trong khuôn gỗ hoặc khuôn nhựa hình tròn, nhân làm bằng hạt sen hay đậu xanh tán nhuyễn - mang sắc thái của đất nước Việt Nam. Hình tròn của bánh thể hiện hình dáng vầng trăng thu tròn và trắng ngà trong biểu tượng ý nghĩa “đoàn viên gia đình” và nhất là tình yêu khăng khít giữa vợ chồng với nhau.

Hình ảnh có liên quan

Bánh dẻo tròn trịa, trắng ngà, tượng trung cho hạnh phúc gai đình tròn vẹn

Còn bánh nướng có vỏ làm bằng bột mì dậy men trộn với trứng gà và chút rượu, có nhân làm từ đậu xanh, khoai môn hay hột sen tán nhuyễn bao bọc lấy lòng đỏ trứng muối. Cũng có những chiếc bánh nướng nhân thập cẩm, gồm đủ thứ như dăm bông, thịt lợn, vi yến, dừa, hạt dưa, ngó sen, bí đao... Hình tròn trong nhân là biểu hiện của sự tròn đầy, viên mãn. Vị mặn của trứng muối bị vị ngọt của những nguyên liệu khác trung hòa, gợi ta một liên tưởng: trong cuộc sống, dù thường ngày có nếm trải qua bao nhiêu đắng cay khổ sở thì vẫn có những người thân luôn bên ta, bao bọc chở che ta và trao cho ta vị ngọt của tình thương của cuộc sống. Cũng giống như chiếc bánh trung thu, trong mặn có ngọt, tạo nên hương vị đậm đà của cuộc sống.

Kết quả hình ảnh cho bánh nướng

Bánh nướng trong mặn có ngọt, gợi ra một chân lý sâu sắc ở đời

Hồi còn bé, cứ có bánh ăn là tôi đã thấy vui thích vô cùng. Nhưng lớn lên, tôi mới biết được ý nghĩa ẩn đằng sau những chiếc bánh Trung thu thơm ngon này. Kể cho mẹ tôi nghe, mẹ liền cười hiền, bảo: “Con gái mẹ dần lớn rồi.”

 

2.Cốm

Nhắc đến mùa thu là nhắc đến cốm .Cốm là hạt ngọc của trời, là “thức quà của lúa non” ban tặng cho con người.Và mâm cỗ ngày Trung thu của trẻ nhỏ cũng không thể thiếu cốm.

 

Cốm có nhiều loại nhưng nổi tiếng nhất phải kể đến cốm làng Vòng, Hà Nội.Tuổi thơ đứa trẻ Hà Nội nào cũng có màu xanh ngọc của cốm. Đứa nào cũng có những buổi trưa chờ mẹ chờ bà đi chợ về, đợi một gói lá sen mở ra toàn những hạt xanh tựa đá ngọc bào. Còn tôi thì khác, ngày ấu thơ của tôi ít khi nào được thưởng thức thức quà tao nhã này. Chỉ có đến Trung thu thôi. Phải, chỉ đến Trung thu thôi. Có lẽ vì vậy, đối với tôi, cốm chính là món ăn ngon lành nhất, và cũng thu nhất.

 

Kết quả hình ảnh cho cốm trong lá sen

“..đợi một gói lá sen mở ra toàn những hạt xanh tựa đá ngọc bào…”

 

Thạch Lam đã từng viết: “ Cốm không phải là thức quà của người vội; ăn cốm phải ăn từng chút ít, thong thả và ngẫm nghĩ.” Ừ, đúng vậy, ăn cốm ngon là ở sự từ tốn. Từ tốn, nâng niu là ta biết quý trọng cái lộc của trời, cái nhẫn nại của người trồng, cái khéo léo của người thợ. Phải thế, ta mới cảm được cái dẻo dẻo của hạt cốm, vị thanh mát của lúa non, hương thoang thoảng của lá sen ấp kín bên ngoài và hình như là của cả đất trời thu về nữa.

 

Ngày nay, chẳng phải đợi mùa thu mới được ăn cốm. Cốm có quanh năm, suốt tháng. Nhưng quả thật, cốm chỉ ngon nhất khi được ăn vào những ngày mùa thu, gió hiu hiu, nắng vàng ngọt và không gian như tràn ngập hương cỏ cây.

3.Hồng

Thức quà thứ ba không thể thiếu trong ngày Trung chính là hồng. Ngay kể cả trong cái thời đại mà mùa nào bạn cũng có thể ăn rươi nhờ tủ đá thì đây vẫn là thứ trái cây hiếm hoi bắt bạn phải chờ dài cổ cả năm mới được ăn dăm ba lần.

 

Quả hồng chín đỏ mọng, lấp lánh dưới nắng như một thứ quả quý, hớp hồn lũ trẻ mê sắc màu và ưa của ngọt. Mâm cỗ Trung thu này xưa, chỉ có hai ba quả hồng đặt vào cho đẹp mắt, cho hài hòa sắc màu, vậy mà bọn trẻ chúng tôi đứa nào cũng muốn ăn. Vậy là bao nhiêu trò lại được bày ra, nào oẳn tù tì, nào chi chi chành chành, nào nu na nu nống, nào nhảy lò cò,… Để rồi khi chơi xong, đứa nào đứa nấy đều mệt lử, quên hết“mục đích ban đầu của mình”…

Quả hồng chín đỏ mọng hớp hồn lũ trẻ mê sắc màu và ưa của ngọt

 

Cũng như cốm, hồng không phải là thứ quả cho kẻ thích ăn vội. Quả hồng cần phải đợi đúng thời điểm, khi thân đã mềm, nắn vào thấy đằm tay thì mới ăn được. Sớm một chút thì chát khô cả miệng, mà muộn một chút thì quả hồng nẫu ra rồi, vậy nên muốn ăn hồng ngon thì phải căn ngày chín thật chuẩn. Lúc ấy, bóc lớp vỏ hồng mỏng dính, ta sẽ thấy lộ ra phần thịt tươi rói bên trong. Cắn một miếng thấy mềm đi trong miệng, vị ngọt vừa sắc lại vừa nhẹ, lại cả thêm cái sần sật của phần hạt nữa. Chẳng phải vì vậy mà chẳng mấy ai không thích hồng, thức quả mà cả năm mới được thưởng thức vài ba lần.

 

4.Thị

“Thị ơi thị rụng…” Đúng rồi mâm cỗ Trung thu làm sao thiếu được quả thị cơ chứ?

 

Nghe hương thị xôn xao trong gió, tôi lại tự nhủ: “À, thu đã về!”. Ra đường gặp cô bán thị, cô chở thúng quả mà tưởng như chở cả thúng nắng, thúng hương. Quả thị chín tròn trĩnh, vàng ươm, mịn màng tựa vầng trăng nhỏ tỏa sáng giữa mâm cỗ Trung thu.

Kết quả hình ảnh cho quả thị

“Quả thị chín tròn trĩnh, vàng ươm, mịn màng tựa vầng trăng nhỏ tỏa sáng giữa mâm cỗ Trung thu”

Thị vốn là loại quả “hàng hoa”, dễ dập nát nên cần được nâng niu. Nếu không cẩn thận, thị sẽ bị vỡ. Đặc biệt, khi đã vỡ ra thị sẽ không còn thơm nức nữa. Lúc mới được hái, thị dù rất chín nhưng vẫn còn cứng, da căng bóng, phủ một lớp phấn mờ mờ. Thị giữ được rất lâu, đến tận ba bốn ngày mà vẫn còn thơm ngọt ngào, vẫn vàng rực rỡ. Khi thị chín nục, vỏ không còn vàng tươi mà ngả màu vàng đậm, da không còn căng bóng mà hơi nhăn nheo, sờ tay thấy quả không cứng nữa, mới là lúc trẻ con có thể bỏ thị ra ăn. Nghe mẹ tôi kể, thị ăn lúc đó mới thật là ngọt, ăn hết rồi vẫn thấy thòm thèm. Vậy nên, cả bọn (mẹ tôi và các bạn) bèn mang hạt thị đi mài. Mài xong, hạt thị bỗng hóa ra trắng nõn, cho vào miệng nhai nghe bùi bùi, thơm thơm. Ăn hết cả ruột và hạt rồi, cả bọn lại ngồi ngẩn ngơ tiếc, lại háo hức mong chờ đến Trung thu năm sau.

 

5.Bưởi

Và cuối cùng là một nhân vật quan trọng nhất, nhân vật không bao giờ vắng mặt trong một mâm cỗ Trung thu: quả bưởi.

 

Nếu như hoa bưởi trắng ngần với hương nồng nàn, ngây ngất, ướp hương cho cả đất trời những ngày đương xuân thì trái bưởi lại là loại quả đặc trưng cho mùa thu, là loại quả yêu thích của trẻ em. Vỏ bưởi xanh xanh, nhìn đến là mát mắt, lại thơm mùi tinh dầu. Ẩn sau lớp vỏ ấy là cùi bưởi mềm mại, trắng nõn. Bóc hết cùi đi, hiện ra là những múi bưởi với  “tôm”, ‘tép” mọng nước, chua chua ngòn ngọt đến là ngon.

 

Hình ảnh có liên quan

Những trái bưởi vỏ xanh xanh, trông đến là mát mắt

 

Hình ảnh có liên quan

“… những múi bưởi với “tôm”, “tép” mọng nước…”

Và đến Trung thu, háo hức được thưởng thức loại quả này là một chuyện, tôi còn vô cùng mong đợi được chơi pháo hạt bưởi. Nhớ những ngày còn bé, tôi hay tò mò đứng xem ông nội bóc từng hạt bưởi nhỏ, cẩn thận rửa sạch, phơi khô rồi lại tỉ mẩn xiên chúng thành từng chuỗi nhỏ. Miệt mài, chăm chút, ông chu đáo đem lại niềm vui cho tuổi nhỏ chúng tôi. Dưới ánh trăng vàng mát

đêm rằm, bọn trẻ chúng tôi lại cùng nhau nhảy múa, rước đèn quanh những chùm pháo hạt bưởi cháy sáng, nổ lách tách nghe đến vui tai.

 

Trung thu tuổi thơ của tôi là thế đấy! Những Trung thu bên mâm cỗ nhỏ nhưng đầy đủ bánh Trung thu, hồng, cốm, thị, bưởi,.. Những Trung thu đầy ắp tiếng cười, đầy ắp niềm vui bên ông bà, bên cha mẹ và bên bạn bè. Tôi nhớ, nhớ quá! Thời gian chảy trôi không ai có thể ngừng lại. Ước sao tôi được bé lại? Ước gì tôi được : một vé trở về tuổi thơ…

 

 

 

 

Tác giả: Thảo Chi