Phần I: Đọc – hiểu ( 3 điểm)
Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 1 đến Câu 4:
F.A ( Forever Alone) là một khái niệm ám chỉ những người hướng nội, ít hoặc không có bạn bè, thích tận hưởng cảm giác cô đơn một mình.
Bởi vì rất dễ hiểu, tự thỏa hiệp với bản thân bao giờ cũng dễ hơn thỏa hiệp với những người khác. Biểu hiện của những người F.A là luôn kêu ca về tình trạng độc thân của mình, nhưng lại luôn gắn chặt cuộc sống với môi trường “ảo” internet, bất kể ngày hay đêm, bất kể ngày thường hay lễ tết.
Cuộc sống của chúng ta đang diễn ra trên Facebook, Twitter, Youtube… chúng ta đang tự cô lập mình với thế giới thực, chúng ta đang tự biến mình thành F.A.
Trung bình, hằng ngày mỗi người Việt Nam tiêu tốn 2 giờ đồng hồ vào mạng xã hội, nhưng có lẽ phải nhiều hơn như vậy.
Ở Việt Nam hiện nay, vợ gọi chồng xuống ăn cơm qua Facebook; hai người hẹn nhau đi ăn tối, mỗi người dán mắt vào một cái smartphone; bạn bè hội họp, lại mỗi người ôm khư khư một cái smart.
( Trích Hãy gập máy tính, tắt điện thoại để nói và cười, Dẫn theoBáo Giáo dục và thời đại, ngày 23/5/2014)
Câu 1( 0,25 điểm) Đoạn trích trên được viết theo phong cách ngôn ngữ nào?
Câu 2 ( 0,25 điểm) Xác định thao tác lập luận chủ yếu được sử dụng trong đoạn trích?
Câu 3 ( 0,5 điểm) F.A là khái niệm dùng để chỉ đối tượng nào? Những biểu hiện của người F.A?
Câu 4 ( 0,5 điểm) Viết đoạn văn ( từ 5 – 7 dòng) chỉ ra ít nhất một hậu quả của tình trạng F.A nói trên?
Đọc đoạn thơ sau và thực hiện các yêu cầu từ Câu 5 đến Câu 8:
Nếu Tổ quốc đang bão giông từ biển
Có một phần máu thịt ở Hoàng Sa
Ngàn năm trước con theo cha xuống biển
Mẹ lên rừng thương nhớ mãi Trường Sa
Đất Tổ quốc khi chập chờn bóng giặc
Các con nằm thao thức phía Trường Sơn
Biển Tổ quốc chưa một ngày yên ả
Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn
Nếu Tổ quốc hôm nay nhìn từ biển
Mẹ Âu Cơ hẳn không thể yên lòng
Sóng lớp lớp đè lên thềm lục địa
Trong hồn người có ngọn sóng nào không
( Trích: Tổ quốc nhìn từ biển – Nguyễn Việt Chiến)
Câu 5 ( 0,25 điểm) Xác định phương thức biểu đạt chủ yếu được sử dụng trong đoạn thơ trên.
Câu 6 ( 0,25 điểm) Nêu nội dung chính của đoạn thơ.
Câu 7 ( 0,5 điểm) Tìm và chỉ ra tác dụng của các biện pháp tu từ trong câu thơ:
“ Biển cần lao như áo mẹ bạc sờn”.
Câu 8 ( 0,5 điểm) Từ đoạn thơ trên, anh/ chị hãy nêu suy nghĩ về trách nhiệm của thế hệ trẻ với Tổ quốc. ( Trả lời trong khoảng 5 – 7 câu).
Phần II: Làm văn ( 7 điểm)
Câu 1 ( 3 điểm)
Trong một bài tổng hợp có nhan đề “Những nghịch lí trong thời đại chúng ta” nghịch lí số 10 được phát hiện: “Chúng ta có thể bay lên mặt trăng rồi bay trở về trái đất nhưng chúng ta lại ngại bước qua con phố để rẽ vào nhà hàng xóm”.
Trình bày suy nghĩ của anh/chị về nghịch lí nói trên?
Câu 2 ( 4 điểm)
Cảm nhận về vẻ đẹp của đoạn thơ sau:
“ Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức
Dẫu xuôi về phương bắc
Dẫu ngược về phương nam
Nơi nào em cũng nghĩ
Hướng về anh – một phương”
( Trích Sóng– Xuân Quỳnh, Dẫn theo Ngữ văn 12, tập một, NXB Giáo dục Việt Nam, 2014)
**********************************