TIỂU SỬ NGUYỄN TRÃI

Bánh xe thời gian vẫn quay, các triều đại hoàng kim hưng thịnh rồi suy vong, nhưng lịch sử rất công minh khi định giá chân lí. Nguyễn Trãi (1380 – 1442) - đại anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới - là tinh hoa của một thời đại nhiều biến động trong lịch sử dân tộc.

Triều đại nhà Trần đã suy vi nhưng dư âm của hào khí Đông A còn đọng lại trong ý thức tự cường tự tôn dân tộc và  tinh thần xuất xử của các trí thức phong kiến. Nguyễn Trãi là kết tinh của mối lương duyên vượt qua những định ước của xã hội đương thời giữa người học trò nghèo Nguyễn Ứng Long với tiểu thư Trần Thị Thái. Những năm tháng tuổi thơ Nguyễn Trãi sống ở quê ngoại, làng Chi Ngại, Chí Linh, Hải Dương sau theo cha dạy học ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây. Tuổi thơ ông chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nền giáo dục của ông ngoại là quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Lớn lên, ông được người cha vốn xuất thân từ một trí thức nghèo hiếu học rèn cặp thêm để hoàn thiện cả tài năng và nhân cách.

Năm 1400 khi vừa tròn 20 tuổi, Nguyễn Trãi thi đỗ Thái học sinh và ra làm quan với nhà Hồ cùng cha. Tuy nhiên, triều đại Hồ Quý Li chỉ tồn tại 7 năm rồi mất vào tay nhà Minh. Năm 1407, quân Minh thôn tính nước ta, Nguyễn Ứng Long cùng nhiều triều thần nhà Hồ bị bắt sang Trung Quốc. Nguyễn Trãi cùng người em trai là Nguyễn Phi Hùng đi theo phụng dưỡng cha. Đến ải Nam Quan, Nguyễn Ứng Long khuyên Nguyễn Trãi trở về thực hiện chữ hiếu lớn hơn đó là rửa nhục cho nước, trả thù cho cha.

          Nguyễn Trãi nghe lời cha, gạt nước mắt biệt li ở lại. Sau một thời gian bị giam lỏng ở thành Đông Quan, năm 1416 Nguyễn Trãi tìm vào Lam Sơn tụ nghĩa dưới ngọn cờ của Lê Lợi. Sau khi dâng Bình Ngô sách, Nguyễn Trãi được coi là quân sư số một của Lê Lợi. Suốt mười năm kháng chiến gian khổ, Nguyễn Trãi đã sát cánh cùng Lê Lợi, đã trở thành linh hồn của cuộc khởi nghĩa. Ông nếm mật nằm gai, viết thư thảo hịch, dâng kế mưu phạt tâm công… Có thể nói, đây là giai đoạn đắc ý nhất trong cuộc đời ông. Tư tưởng nhân nghĩa là hạt nhân quan trọng làm nên tầm nhìn chiến lược ở nhà chính trị kiệt xuất.

          Năm 1427 cuộc kháng chiến chống quân Minh thắng lợi. Năm 1428 Lê Lợi lên ngôi vua lấy hiệu là Lê Thái Tổ và giao cho Nguyễn Trãi viết Bình Ngô đại cáo. Nguyễn Trãi rất hào hứng  chung tay xây dựng đất nước sau chiến tranh. Tuy nhiên, trở lại cuộc sống hòa bình, có nhiều yếu tố chi phối khiến con người ta đôi khi không còn giữ được sự sáng suốt. Lê Thái Tổ đã nghe lời xúi giục của kẻ xấu, nghi ngờ và giết oan một số trung thần. Bản thân Nguyễn Trãi cũng từng bị tống giam sau đó được tha nhưng không còn được tin dùng như trước. Ông buồn bã, cáo quan về Côn Sơn sống ẩn dật với suối ngàn và thông xanh. Năm 1440 Lê Thái Tông lên ngôi, xuống chiếu mời Nguyễn Trãi ra giúp việc nước. Ông lại hăm hở lên đường những mong mang tài trí ra giúp đời, giúp nước. Nhưng mộng lớn chưa thành thì năm 1442 vụ án Lệ Chi Viên xảy ra. Vị khai quốc công thần triều Lê bị khép vào tội giết vua và chịu án tru di tam tộc.

          Nỗi oan tày trời ấy, hơn hai mươi năm sau mới được hóa giải bởi Lê Thánh Tông -  ông vua tài hoa và sáng suốt nhất triều Lê - với lời ngợi ca: “Ức Trai tâm thượng quang khuê tảo” (Ức Trai lòng dạ sáng tựa sao Khuê).

          Nhìn lại cuộc đời Nguyễn Trãi có thể thấy ông là đại anh hùng dân tộc, nhân vật toàn tài hiếm có trong lịch sử phong kiến Việt Nam. Ở Nguyễn Trãi có một nhà chính trị, một nhà văn hóa, nhà ngoại giao, nhà thơ, nhà văn tầm cỡ kiệt xuất. Nhưng ông cũng là con người phải chịu nỗi oan khiên thảm khốc hiếm thấy trong lịch sử do xã hội cũ gây nên.