Ông nội tôi năm nay 71 tuổi, còn bà nội đã bước sang tuổi 63. Tôi nhớ những ngày mình còn bé, thường hay đấm lưng và nhổ tóc sâu cho ông, mái tóc đen ngày nào giờ đã bạc. Những vết chân chim nơi khóe mắt và nếp nhăn trên trán ông như hằn sâu dấu tích những năm tháng qua, làn da nâu sạm lại theo bao mùa nắng. Đôi khi tôi mường tượng ra cảnh ông hồi trẻ đi bộ đội, trên vai vác súng trông thật hùng dũng. Có vài lần những người bạn chiến đấu đến thăm ông ôn lại kỷ niệm cũ, tôi đã tiếc biết bao khi trước đó không nghe về tuổi trẻ bôn ba của ông. Ông bây giờ vẫn còn khỏe lắm nhưng bà lại không được như vậy. Sức khỏe của bà không tốt, bệnh đau chân hành hạ bà mỗi ngày. Những lần hạ huyết áp đột ngột làm bà kiệt sức và mệt mỏi. Tiếc là tôi không được ở bên chăm sóc ông bà mỗi ngày. Tôi nhớ lần bà ốm nặng nằm giường. Buổi tối, bà ra nằm ngoài hiên nhà rồi mãi không thấy vào. Tôi ra xem thấy bà nằm bất động, giật mình vội lay lay người bà gọi: “Bà ơi! Bà ơi!” và cố gắng đỡ bà dậy nhưng không thấy bà phản ứng. Tôi có cảm giác như tim mình đã ngừng đập ngay lúc ấy và khi tiếng khóc đầu tiên suýt bật ra, tay bà đã nắm lấy tay tôi: “Bà không sao, để bà nằm đây”, ánh mắt bà nhìn tôi mệt nhọc nhưng ấm áp. Tôi chợt hiểu rằng đến một ngày không may nào đó, khi đôi mắt ấy không còn nhìn tôi như vậy, khi đôi tay ấy không còn nắm lấy tay tôi, khi những lời của bà mỗi ngày trôi tuột vào không khí, sẽ là một nỗi đau lớn quá sức chịu đựng của tôi.

 


        Những ngày ấu thơ khi tôi còn bé, ông nội thường cõng tôi đi chơi khắp xóm, dạy tôi làm những món đồ bé xinh, hái bưởi cho tôi ăn và khuyến khích động viên tôi học tập. Ông yêu thương hết mực nhưng cũng không kém phần nghiêm khắc. Khi tôi phạm lỗi, cho dẫu đôi vai tôi có run run và nước mắt sắp trào ra trên gương mặt bé thơ ông nhất định sẽ mắng và đưa ra một hình phạt nào đó cho sự ngốc nghếch trẻ con của tôi, để tôi sợ mà ghi nhớ, ông muốn tôi không bao giờ lặp lại chuyện đó một lần nữa. Còn bà không cứng rắn như ông mà mềm mỏng nuông chiều. Vì thế khi giận dỗi bà, tôi sẵn sàng bỏ ra một góc nào đấy “ăn vạ” cho đến khi bà đến bên ôm tôi vào lòng, dúi vào tay tôi mấy đồng tiền lẻ và tôi quệt nước mắt, nở nụ cười trẻ thơ. Bây giờ nghĩ lại, tôi thấy thật hối hận vì lẽ ra tôi đã có thể hiểu chuyện hơn và không làm ông bà phiền lòng.

        Năm tôi học lớp 7, gia đình tôi chuyển đi, chỉ còn ông bà ở lại trong căn nhà rộng thênh thang. Xa ông bà, tôi bỗng thèm được hưởng lại những kỷ niệm tuổi thơ, và lòng chợt ấm lại khi gọi điện cho ông và nghe tiếng hỏi: “Hôm nay con có xuống đây ăn cơm với ông bà không?”. Mỗi khi đến thăm ông bà, thỉnh thoảng, bà lại dúi riêng cho tôi mấy đồng “để cho con ăn sáng”. Số tiền ấy, tôi luôn cất giữ trong tủ và nâng niu chờ dịp cần tiêu. Ông bà đã cho tôi rất nhiều, có lẽ cả cuộc đời này tôi không bao giờ đáp trả được những công ơn lớn lao ấy, vì đã cho tôi một tuổi thơ thật đẹp, và những ngày thực sự hạnh phúc trong hơi ấm gia đình.


         Bà dạo này đau nặng phải nằm viện trên Hà Nội. Vì bận học tôi không thể tới thăm bà cùng mẹ, nhưng lúc nào cũng thấy giận bản thân vì đã không tới thăm bà. Biết đâu khi nằm viện buồn bã một mình, bà luôn mong được thấy tôi nhưng lòng lại chợt hẫng hụt khi gia đình đến thăm lại chỉ có mẹ. Sống mũi cay cay khi nghĩ đến ông ở nhà một mình, một mình nấu cơm, một mình dọn dẹp, rồi một mình ngồi bần thần nhớ bà. Nhớ bà hay nhắc ông phải thế nọ thế kia, nhớ bàn tay khéo léo luôn giữ lửa căn bếp nhỏ gia đình… Tôi thương bà nhiều, thương ông cũng nhiều, khi thấy ông trong những bữa cơm họp mặt gia đình vui vẻ uống rượu say, rồi lại ngồi một mình bật đài mãi mà không được. Có lẽ niềm mong mỏi lớn nhất của ông bây giờ chính là được sống phần cuối cuộc đời bên con cháu, hưởng thụ những điều giản dị của cuộc đời. Ông bà vẫn thường bảo tôi: “Ông bà chỉ mong sống được đến khi thấy con thành đạt báo hiếu là ông bà mãn nguyện lắm rồi”. Mỗi lần nghĩ lại, lòng tôi lại dậy lên một niềm xúc động không tả, rồi tự hứa với mình, nhất định tôi sẽ làm được. Và tôi mong muốn, nếu phép tiên thực sự tồn tại, sẽ có một loại thuốc giúp ông bà sống mãi...

Tác giả: Linh Key - CLB Truyền Thông