NGƯT Nguyễn Thị Bạch Vân

Nguyên Hiệu trưởng đầu tiên trường PTNK Hải Hưng

 

 

Tháng 11-1984, được sự chấp thuận của lãnh đạo tỉnh, Sở giáo dục Hải Hưng ra quyết định thành lập trường PTNK Hải Hưng (nay là trường THPT chuyên Nguyễn Trãi- Hải Dương). Trường đã làm lễ khai giảng đầu tiên vào ngày 22/ 12 /1984. Sự ra đời của trường đã mở ra một hướng mới cho học sinh phổ thông toàn tỉnh vì nhà trường, nếu đáp ứng được một phần nào theo tên gọi, chắc chắn sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc thực hiện các mục tiêu giáo dục của tỉnh nhà.

Trường PTNK Hải Hưng ra đời là sự tiếp nối và nâng cao hơn của phong trào rèn luyện bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh mà bắt đầu là các lớp chuyên Toán tỉnh đặt tại một số trường cấp 3 những năm chống Mỹ cứu nước. Địa điểm đầu tiên của trường là một phần nhỏ trong khuôn viên của trường cấp 3 Hồng Quang những năm 60-75. Học sinh đầu tiên của trường chủ yếu từ các lớp chuyên của tỉnh đặt ở cấp 2 Ngô Gia Tự, cấp 3 Hồng Quang và một số học sinh chuyên Văn, Nga văn chọn ở các trường trong tỉnh. Các thày cô giáo, cán bộ phục vụ đã có nhiều năm công tác trong ngành giáo dục của tỉnh, có người từ Đại học Sư phạm, có người đã rèn luyện trong môi trường quân đội, Sở Giáo dục đã cân nhắc thật cẩn thận trong việc tuyển chọn lực lượng này.

Về mặt con người, trường có nhiều thuận lợi nhưng về điều kiện vật chất phục vụ dạy và học thì quá nhiều khó khăn. Năm học 84- 85, một phần học sinh phải học nhờ trường cấp 3 Hồng Quang. Mấy phòng học tại trường đều không đạt yêu cầu tối thiểu về ánh sáng, không gian dành cho mỗi học sinh , thậm chí  có phòng không đạt cả về độ an toàn. Thư viện, phòng thí nghiệm, cơ sở phục vụ rèn luyện thể chất lại càng không. Nhiều thày cô giáo, cán bộ phục vụ từ nơi khác chuyển về không được bố trí nơi ăn ở tử tế . Số học sinh đến từ các huyện phải ở trong điều kiện chật hẹp, mất vệ sinh. Khách đến từ Bộ giáo dục, khách Nga, khách Pháp cũng chỉ được đón tiếp trong căn phòng chật hẹp, năm đầu tiên còn trơ cả nền đất. Số lượng khách lớn một chút thì phải nhờ Sở giáo dục nơi đón tiếp. Trong vài năm đầu, thày trò còn phải làm việc trong không khí "nửa công trường, nửa học đường" vì lúc nào cũng cần mở rộng, cũng cần sửa chữa. Nhiều khi thày trò phải lao động đột xuất vào lúc tối trời, rét mướt để chuyển vật liệu xây dựng. Thời ấy, có được mấy xe gạch, vài tấn thép là quý lắm, bất cứ lúc nào trường cũng sẵn sàng nhận.

Tuy nhiên những khó khăn sau mới thực sự gây lúng túng bởi tại thời điểm này, việc nên hay không nên thành lập loại trường này còn đang được nhiều người làm công tác giáo dục bàn cãi, nói chi có nơi để tham quan, học tập. Chương trình các bộ môn chưa có và khi Bộ giáo dục gửi về thì mới chỉ là dự thảo hướng dẫn sơ lược nội dung, chủ yếu về mặt kiến thức. Ngay trong phạm vi hẹp là bồi dưỡng học sinh giỏi cũng chưa có một gợi ý nào.

Mục tiêu của trường là giáo dục toàn diện, rèn luyện học sinh thành những con người phát triển toàn diện, hài hoà, chuyên sâu học vấn. Trường chuyên thì phải có học sinh giỏi toàn quốc, kết quả thi vào đại học phải cao, không ai tin tưởng vào chất lượng của trường nếu các tiêu chuẩn trên không đạt. Những bài toán cực khó giải trên bắt chúng tôi phải thận trọng suy nghĩ, bình tĩnh cân nhắc mọi khả năng mà trường có thể tìm lời giải. Phải tự mình gỡ rối, không phải chỉ dựa vào sự quan tâm của trên, chờ đợi các điều kiện thuận lợi rồi mới làm việc. Xoáy sâu vào các thuận lợi của trường, chúng tôi thấy điều kiện "nhân hoà”' sẽ giúp trường tìm lời giải. Cân nhắc cẩn thận mỗi khi tuyển chọn cán bộ giáo viên cho trường, chắc chắn ban lãnh đạo Sở giáo dục đã rất tin tưởng vào tinh thần trách nhiệm, khả năng chuyên môn của mỗi người. Cả một tập thể như thế không lẽ bó tay trước khó khăn? Một khi xây dựng được khối đoàn kết nhất trí, quyết đồng tâm hiệp lực, biết chấp nhận thử thách thì không thể không hoàn thành nhiệm vụ. Đó là điều mà tập thể cán bộ giáo viên của trường đã làm được và khối đoàn kết nhất trí này được duy trì, củng cố ngày càng bền vững giúp cho mỗi thành viên tựa vào đó để đi lên. Sự quyết tâm của thày cô giáo đã lôi cuốn toàn thể học sinh hăng say rèn luyện học tập trong những điều kiện ngặt nghèo mặc dầu trong hàng ngũ này có rất nhiều  “tiểu thư, công tử " hay sống trong những hoàn cảnh rất thoải mái. Sau này mỗi khi có điều kiện cùng ôn lại kỉ niệm xưa, nhiều em tỏ ra rất tự hào vì đã ít nhiều có đóng góp với trường.

Không thụ động chờ đợi, ỷ lại vào cấp trên nhưng phải tranh thủ sự quan tâm của các cấp lãnh đạo, của nhân dân thì mới gỡ rối, mới phát triển được. Đó là điều thường trực trong suy nghĩ của trường. Đích thân vị Chủ tịch Hội đồng Giáo dục tỉnh chỉ đạo việc mở rộng khuôn viên trường, dần tạo cho trường một khu nội trú khá khang trang. Tuy chưa có chính sách cụ thể về chế độ đối với cán bộ giáo viên nhưng tỉnh đã có những quyết định quan trọng như tăng lương sớm, hợp lí hoá gia đình cho cán bộ giáo viên từ xa chuyển về trường. Ban giám đốc Sở giáo dục đã chỉ đạo sát sao việc xây dựng và phát triển trường nên các phòng ban của Sở đều tích cực ủng hộ những đề xuất của trường, tạo điều kiện tốt cho trường thực hiện mọi hoạt động. Phòng phổ thông luôn theo sát, tạo điều kiện cho hoạt động chuyên môn đạt hiệu quả; nâng cao năng lực giáo viên các môn chuyên qua việc cử giáo viên đi học trong nước hoặc nước ngoài; qua tiếp xúc và học tập các chuyên gia trong, ngoài nước; qua nghiên cứu các chuyên đề bồi dưỡng học sinh giỏi. Sở Tài chính cũng quan tâm trang bị cơ sở vật chất, chế độ hàng tháng cho học sinh, kinh phí tham quan, sinh hoạt tập thể, giao lưu với học sinh nước ngoài, động viên giáo viên và học sinh có thành tích tốt. Hội phụ huynh rất nhiệt tình trong cộng tác với giáo viên chủ nhiệm giáo dục đạo đức học sinh, động viên con em học tập, động viên cán bộ và các thày cô giáo, trực tiếp giúp đỡ trường cải tạo phòng học. Thày trò trường xin ghi nhận sự giúp đỡ của trường PTCS  Ngô Gia Tự, trường cấp 3 Hồng Quang, trường con em các chuyên gia Liên Xô ở Phả Lại. Đặc biệt trường PT cấp 3 Hồng Quang đã giúp đỡ PTNK với tinh thần nhường cơm xẻ áo, coi học sinh PTNK như học sinh của chính mình. Toàn thể cán bộ giáo viên học sinh trường xin bày tỏ lòng biết ơn tới các vị lãnh đạo, các vị cán bộ phòng ban, các vị phụ huynh học sinh, các trường bạn. Nếu không có sự quan tâm trên chắc chắn trường không thể đạt được một kết quả tốt đẹp nào.

Đáp lại sự quan tâm nhiệt tình trên, toàn thể cán bộ giáo viên của trường chấp nhận làm mọi việc được phân công miễn sao guồng máy hoạt động hiệu quả. Dù điều kiện khó khăn như ít tài liệu, tiếp xúc với những tiến bộ về mặt học thuật không thường xuyên, không thông tin cập nhật về sự phát triển của bộ môn trong các trường bạn, các thày cô giáo bộ môn chuyên vẫn miệt mài tận dụng những khả năng sẵn có, học tập không ngừng, tranh thủ mọi thời cơ để '" tầm sư, học đạo" và tìm cách chuyển hoá những hiểu biết của mình qua các giờ giảng trên lớp, qua các chuyên đề hướng dẫn học sinh nghiên cứu. Thông qua các hoạt động ngoại khoá bắt đầu từ trong một khối chuyên, giữa các khối chuyên khác nhau, giữa khối học sinh chuyên Nga văn với học sinh con em các chuyên gia Liên Xô ở Phả Lại, tiến tới tiếp xúc với các hoạt động đoàn thể của thanh niên thị xã Hải Dương, học sinh của trường dần tự tin hơn, năng động hơn, dễ thích nghi với môi trường ngoài hơn, tạo điều kiện cho các em đi vào cuộc sống sau này thuận lợi hơn.

Kết quả năm học 84-85 tuy còn nhỏ bé song phần nào làm thày trò tự tin hơn, tạo được niềm tin trong nhân dân, trong các cấp lãnh đạo: toàn bộ học sinh lớp 9 đã đủ điều kiện vào cấp 3 trong đó 60% vào trường năng khiếu hoặc chuyển lên các lớp chuyên của Bộ giáo dục, số học sinh cấp 3 đỗ vào đại học, cao đẳng trên 85%, số học sinh đạt giải quốc gia cao hơn hẳn những năm trước. Mỗi năm sau đều có những tiến bộ hơn, học sinh của trường đã đạt được những giải nhất, nhì toàn quốc. Hải Hưng đã có thứ hạng đáng kể trong khâu bồi dưỡng học sinh giỏi.

Mặc dù các thành viên trong Hội đồng giáo dục đều được đánh giá tốt, là lao động tiên tiến, tiên tiến xuất sắc; nhiều thày cô giáo liên tục được tặng danh hiệu giáo viên giỏi, chiến sĩ thi đua; các đoàn thể được đánh giá tốt; trường luôn được công nhận tiên tiến, nhưng mỗi người đều hiểu là phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới theo kịp được yêu cầu đổi mới của Đảng, kịp với những tiến bộ của khoa học kĩ thuật ít nhất đã được sử dụng trong nhà trường thì mới có thể phần nào hoàn thành nhiệm vụ. Thời gian có hạn, chưa cho phép trường có được những kết quả về học sinh đã ra trường nhưng có một cảm nhận không thể đo đếm được đã phần nào động viên cán bộ giáo viên của trường tiếp tục tiến bước. Đó là học sinh trường PTNK Hải Hưng đã tạo được môt truyền thống tốt đẹp về tình đoàn kết, tinh thần hiếu học, tôn sư trọng đạo thể hiện trong mọi giờ học, trong quan hệ giữa các em, giữa các em và cán bộ giáo viên của trường. Với những người đã xa trường, đến môi trường giáo dục khác, cảm nhận này càng rõ nét hơn. Trong lịch sử phát triển giáo dục Hải Dương, giai đoạn 1945-2005, Sở giáo dục đã đánh giá " bước đầu thành lập, nhà trường đã nhanh chóng hoạt động có nền nếp, kỷ cương, thực sự mở ra một thời kỳ mới cho công tác bồi dưỡng học sinh giỏi, bồi dưỡng nhân tài của tỉnh ", đó thực sự là một phần thưởng quý báu cho thày trò của trường.

Không dám phát biểu về những bước phấn đấu trưởng thành của trường 25 năm qua, vì lúc này tôi đã là người "ngoại đạo", tôi chỉ xin có một vài so sánh nhỏ. Ngày ấy, mong ước của thày trò là có được những phòng học nhỏ bé nhưng có thể thực hiện hoạt động dạy, học dễ dàng thì nay trước mắt mọi người là một ngôi trường bề thế điều kiện học tập không thua kém bất kỳ một trường THPT nào trong cả nước. Ngày ấy cả trường chỉ có một giáo viên đạt bậc cao học thì nay số lượng cao học, thạc sĩ, tiến sĩ tăng mấy chục lần. Bấy giờ chạm tới giải học sinh giỏi toàn quốc thì học trò của trường đã làm được, kể cả giải nhất nhưng vẫn cảm thấy không chắc chắn thì nay đã trở thành"chuyện thường ngày ở huyện" thậm chí đoạt giải quốc tế không còn là điều xa lạ. Hải Dương được xếp hạng cao trong phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi, số lượng học sinh vào đại học cũng ngang ngửa với các trường có tiếng. Nhiều sinh viên xuất sắc đã làm đẹp thêm cho trường bằng những thành quả lao động của họ. Chỉ vài so sánh nhỏ thôi, cũng đủ thấy trong những năm qua, các thày cô giáo, cán bộ, học sinh của trường đã phấn đấu vượt bậc như thế nào. Tôi cảm thấy thật hạnh phúc vì đã có thời gian được sống trong môi trường sư phạm này.

Tôi rất biết ơn các bạn đồng nghiệp của tôi, những học sinh thân yêu của tôi đã chung sức thực hiện nhiệm vụ được giao trong những ngày đầu gian khó. Tôi rất biết ơn các thày cô giáo, cán bộ phục vụ và học sinh những khoá sau này đã phấn đấu không mệt mỏi, không phụ lòng tin của nhân dân, của Đảng, tạo nên những thành tích mà thời chúng tôi được coi là kì tích. Xin chúc trường THPT chuyên Nguyễn Trãi Hải Dương có những bước đi vững chắc, những thành tựu tuyệt vời, xứng đáng với lời dạy của Bác Hồ:" Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có sánh vai cùng các cưòng quốc năm châu hay không cũng một phần do công học tập của các cháu".