BBT: Ban biên tập website của trường xin trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết của Tiến sỹ Nguyễn Vinh Hiển, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hải Dương, nguyên là giáo viên Sinh học trường Phổ thông năng khiếu Hải Hưng:


 
Bạn bè yêu cầu tôi viết một bài về nhà trường nhân dịp kỉ niệm 25 năm ngày thành lập. Thật là khó vì thời gian tôi dạy tại trường rất ngắn, chưa đầy 3 năm!  

Tháng 2/1985, đang là cán bộ giảng dạy trường đại học, vì hoàn cảnh gia đình, tôi xin về quê công tác, được Ty Giáo dục Hải Hưng  phân công về Trường phổ thông Năng khiếu tỉnh. Lúc đó, trường vừa có quyết thành lập được 2 tháng, đang tuyển thêm giáo viên nên tôi tự nhận mình thuộc lớp giáo viên đầu tiên của trường .

Vì xa nhà, tôi được trường bố trí ở một phòng rất nhỏ, đến mức chiếc giường đơn phải cắt bớt chiều dài mới kê được và ngay sát cạnh nó là chiếc bàn rộng 0,5m. Vào phòng là phải lên giường ngay vì không còn chỗ trống.  Cô Loan, thầy Tấn, thầy Hưng, thầy Huấn về trước thì được ở trong ngôi nhà ngói rộng hơn nhưng ẩm thấp, suốt ngày có người qua cửa, phòng ở sát cạnh lớp học mà!

 Ấn tượng đầu tiên của tôi về trường là cảm nhận về cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Bạch Vân - một Hiệu trưởng dạy giỏi, nhẹ nhàng, nghiêm túc, chu đáo với đồng nghiệp, với học sinh và công việc chung. Năm 1988 cô Vân được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú đợt đầu tiên. Đó là một vinh dự và tự hào chung của tất cả chúng tôi.

Bước sang tuần thứ 2, đến dạy lớp 12 toán – lý, tôi ngỡ ngàng trước việc cô Hiệu trưởng và tổ trưởng chuyên môn Nguyễn Thị An đến dự giờ không báo trước. Mặc dù không thoải mái lắm nhưng thâm tâm tôi lại thích cách quản lí chuyên môn như vậy. Dự xong, 2 người không nêu một lời nhận xét. Sau đó ít ngày chính Hiệu trưởng gặp tôi gợi ý: “Anh nên mở lớp dạy thêm bồi dưỡng ôn thi tuyển sinh đại học cho học sinh, trường mình có vài em ôn thi khối B mà chưa có ai dạy được môn sinh, nếu anh dạy thì sẽ có thêm học sinh của các trường khác đến học nữa đấy”. Thế là tôi dạy thêm ngay trong trường, nhưng chỉ vào các buổi tối vì ban ngày không còn phòng học trống, thậm chí một số lớp phải học nhờ bên trường THPT Hồng Quang. Dạy thêm được 2 buổi thì tôi được thầy Hãng, giáo viên toán động viên: “Học sinh khen, thích học anh lắm”. Một tháng sau Hiệu trưởng nhà trường gặp tôi tâm sự: “Nói thật với anh, ban đầu tôi rất ngại nhận anh về trường vì cứ nghĩ mấy thầy dạy đại học về phổ thông thì hay kiêu căng, khó quản lí, nhưng nay thì tôi yên tâm về anh rồi”. Lần khác cô nói với tôi: “Anh ở tập thể, nhờ anh giúp tôi để mắt đến các em học sinh nội trú, các em còn nhỏ ở với nhau, xa bố mẹ, tôi lo lắm”. Cô Hiệu trưởng đã có tình cảm và nỗi lo của chính cha mẹ các em học sinh!

Năm ấy để có thêm phòng học, nhà trường phải cải tạo nâng tầng ngôi nhà Ban Giám hiệu, vốn là một tư dinh cũ. Một buổi tối, xe ô tô chở sắt, chở vôi về, cô Hiệu trưởng huy động anh em tôi cùng mấy em học sinh nam nội trú ra khuân sắt, tôi vôi ngay tại sân trường. Thấy cô Hiệu trưởng tuổi cao, mảnh mai mà cũng xắn tay vào việc với cánh thanh niên, chúng tôi ái ngại, can ngăn nhưng cô vẫn vui vẻ, vừa làm vừa chuyện trò động viên mọi người cho đến lúc việc xong.

Năm học thứ 3, tôi được bầu làm Thư ký Công đoàn trường. Một lần nói chuyện với thầy tổ trưởng tổ văn Lê Huy Hậu, tôi mới biết gia cảnh nhà thầy khó  tìm công ăn việc làm, lo chuyện học hành cho các con. Thấy tôi ngạc nhiên, thầy nhẹ nhàng nhắc nhở: “Anh là Thư ký Công đoàn thì cần tìm hiểu, nắm được hoàn cảnh của đoàn viên để động viên, giúp đỡ”. Tôi thầm cám ơn thầy đã cho tôi bài học đầu tiên của người làm công tác Công đoàn. Nay thầy đã đi xa nhưng lời khuyên ấy cứ luôn nhắc nhở tôi trên bước đường công tác đến tận bây giờ.

Tôi nhớ về thầy Hoàng Năng Thân, một giáo viên dạy toán kỳ cựu cho học sinh chuyên từ những ngày còn là các lớp toán đặc biệt của tỉnh gửi tại trường phổ thông cấp 3, từng là đại biểu Quốc hội; học trò cũ của thầy đã có người trở thành giáo sư, tiến sỹ được cả nước biết đến. Thầy hiền lành, lúc nào cũng chỉn chu, mực thước, học trò rất thích được học thầy. Vậy mà thầy lại đề đạt nguyện vọng, đại ý: tôi già rồi, không còn sức bật nữa, nên cho tôi chuyển đi dạy ở  trường khác, ở trường mình nên để cho “đội hình” trẻ phát huy khả năng thì tốt hơn. Nhưng với năng lực của thầy, các cấp quản lí vẫn giữ thầy dạy tại trường và thầy đã tiếp tục là tấm gương cho lớp trẻ noi theo.

Những năm ấy môn sinh học chưa phải là môn chuyên nên học sinh không dành nhiều thời gian, trừ một số em ôn thi đại học khối B. Để giúp các em dành nhiều thời gian cho các môn chuyên nên tôi  tìm cách dạy sao cho đơn giản, dễ hiểu, thậm chí với các lớp THCS (những năm đầu trường có cả các lớp THCS) và lớp chuyên các môn khoa học tự nhiên tôi đã dạy dồn mỗi tiết được 1,5 hay 2 bài theo SGK (tất nhiên, lúc đó, điều này là vi phạm qui chế chuyên môn). Tôi thấy phần lớn các em nhớ bài ngay tại lớp song vẫn phàn nàn là môn sinh học khó quá. Nhưng thật bất ngờ, một lần chấm kiểm tra bài tập di truyền tôi ngạc nhiên có những học sinh lớp 12 toán – lý, không ôn thi khối B, làm bài không theo cách tôi dạy nhưng hoàn toàn đúng, các cách giải đó cũng không có trong sách tham khảo mà tôi biết. Tuy cách giải hơi vòng vo, dài dòng nhưng tôi lại rất thích vì nhận ra các em đã mạnh dạn suy nghĩ độc lập. Sau này, khi làm nghiên cứu sinh về phương pháp dạy học tôi mới hiểu rõ hơn, lúc đó tôi  mới chỉ tập trung giúp học sinh  tiếp thu kiến thức chứ chưa chú trọng việc rèn phương pháp tự học cho các em.

Còn chuyện này! Khi đã về công tác ở Sở Giáo dục - Đào tạo, thấy học sinh của trường rất ít được rèn luyện trong các hoạt động xã hội, văn nghệ, thể thao, thậm chí sắp đến kỳ thi học sinh giỏi quốc gia các em trong đội tuyển chỉ tập trung vào học môn thi, tôi đã góp ý với cô Hiệu trưởng Nguyễn Thị Lan Phương nên tăng cường các hoạt động giáo dục toàn diện. Cô Hiệu trưởng hơi ngại nhưng vẫn tổ chức thực hiện. Học sinh rất hào hứng tham gia các hoạt động này, phụ huynh học sinh cũng vui vẻ ủng hộ. Thực tế các hoạt động đó đã không hề làm giảm thành tích học sinh giỏi mà trái lại càng làm tăng thêm hiệu quả giáo dục, làm cho việc dạy, học và rèn luyện trở nên nhẹ nhàng, không trở thành áp lực cho thầy và trò trường chuyên.  

Tôi rất tiếc là không theo dõi được quá trình phấn đấu của học sinh mình sau khi các em ra trường, nhưng trong công việc tôi vẫn gặp các em học sinh cũ của Trường phổ thông Năng khiếu tỉnh Hải Hưng ở trong hay ngoài nước. Thầy trò gặp nhau, em nào cũng nhắc lại những kỉ niệm đẹp về thầy cô, về  ngôi trường được thu xếp tạm ở số 7 Nguyễn Văn Tố, thị xã Hải Dương năm nào. Các em đều tiến bộ, nhiều em giỏi hơn thầy cô. Nhà trường cũng đang lớn lên, thêm nhiều thành tích lắm, điều đó đem đến cho chúng tôi niềm vui nghề nghiệp, cho các em niềm tự hào bước tiếp vào tương lai.  Cách đây ít ngày, tôi gặp lại em Cảnh, học sinh lớp đầu tiên mà tôi dạy  thêm môn sinh năm ấy, nay là giảng viên Trường Đại học Y Hà Nội. Tôi kể lại những chuyện này và nói  với em, mà cũng là nói với chính mình: Thầy trò ta phải biết ơn sự chăm lo của cô Hiệu trưởng, biết ơn mái trường phổ thông Năng khiếu tỉnh Hải Hưng nhiều lắm ! Từ ngôi trường thân thương ấy đã cho mình lớn lên !


Hà Nội, tháng 9 năm 2009

Tiến sĩ Nguyễn Vinh Hiển