… ‘Cơn khát vẫn hoành hành, cái cảm giác khô rát nóng bỏng tưởng chừng như không thể chịu nổi, mùi nước cống làm tôi ngạt thở. Bụng đói, đêm tối, lạnh và sợ. Nhưng tôi không thể về nhà. Cũng như mẹ và em gái tôi giờ cũng đang nấp đâu đó trong gia đình hàng xóm, bụi vườn...bất cứ nơi đâu có thể dung thân. Tôi không nhớ mình đã chạy bao lâu, bao xa để bây giờ chui vào bụi cây này. Trong hoảng loạn và sợ hãi, tôi không thể định vị mình đang đi về đâu. Trong đầu tôi lúc này toàn là những tiếng bốp bốp, chát chát, tiếng khóc ré, chửi thề...trong nhà mình.

 Bạo hành là gì? Ai cho người ta cái quyền bạo hành phi lí, bất công đến vậy? Có lần tôi đã gào lên mà hỏi bố tôi câu đó. Bố trả lời: "Tao! Tao cho tao cái quyền bạo hành. Bạo hành là đánh cho chúng mày tan xác ra. Đồ mất dạy, không phục vụ ông chu đáo, ông giết!". Thế ư? Bố tự cho mình cái quyền bạo hành ư?

 Nhìn cái thân xác gầy còm, tàn tã của mẹ mà tôi thấy đau lòng. Tôi không biết cái thời địa chủ, thống lĩnh ngày xưa, người ta hành hạ con người cùng cực đến mức nào. Còn bây giờ, đầu óc tôi luôn kinh hãi ám ảnh bởi cách hành hạ của bố. Không chỉ hành hạ mẹ bằng kiểu "thượng cẳng chân, hạ cẳng tay" mà bố tôi còn bạo hành mẹ tôi cả tinh thần bằng những lời nhục mạ, chửi rủa.

 Tôi còn nhớ như in bữa cơm hôm trước...
 - Rượu ông đâu?
 - Bố à! Hôm nay mẹ không đi chợ, không có rượu đâu bố ạ!

 Thế là một trận đòn bắt đầu, một cuộc chiến tranh gia đình mà ba mẹ con tôi trở thành nạn nhân, trở thành đối thủ không cân sức. Nếu trong đấu pháp, chiến thuật quân sự thì ba đấu một sẽ không phân thắng bại nhanh như gia đình tôi. Bom đạn là những cái bát, cái xoong, cái nồi tan tành ngoài sân. "Tên phát xít" phủ xuống đầu người đàn bà đau khổ cả chửi, cả đánh,cả đấm. Nhưng "phát xít" chửi mà không biết tiếng bản địa còn đỡ. Đằng này, bố tôi là "tên phát xít" nói được cả tiếng bản địa, tiếng của con người để lăng mạ, sỉ nhục mẹ tôi.

  Có lẽ tôi đã quá khắt khe với bố ư? Không, không phải! Bởi chẳng đêm nào anh em tôi được học bài yên lặng, bố như cái loa phóng thanh bị trục trặc kĩ thuật, không ngừng phát được, trừ khi mất điện (bố ngủ). Có lẽ nào mẹ con tôi cứ chịu đựng mãi? Tôi chỉ biết rằng từ ngày bố tôi dữ dằn như vậy, kết quả học tập của anh em tôi sa sút hẳn. Thực tình tôi không còn muốn đến lớp. Tôi mặc cảm vì có một người bố như thế. Có người bảo: "Ôi dào! Cha nào con nấy! Thằng ấy sau này nó cũng như bố nó.". Tôi nghe mà chua chát, đắng cay đến cùng cực. Thì ra còn có những kẻ đồng lõa với bạo hành, thờ ơ trước số phận bị bạo hành.

  Càng lớn, tôi càng hiểu rằng: Bố tôi không có quyền được bạo hành. Có lần tôi nói với mẹ: "Mẹ à! Bố không có quyền được đánh đập mẹ con mình như thế. Sao mẹ cứ phải chịu đựng?". Mẹ tôi ứa nước mắt: "Vì tụi bây! Mẹ sợ các con sau này lại mang tiếng con nhà chẳng ra gì, bố mẹ bỏ nhau con ạ!". Thì ra mẹ sợ ảnh hưởng đến chúng tôi sau này, sợ chúng tôi bị mang tiếng để rồi mẹ phải khổ sở thế ư? Bao lần hội phụ nữ, tổ hòa giải, an ninh cơ sở đến khuyên răn đủ điều, ấy thế là lại đâu vào đấy. Có lẽ mẹ tôi cũng sai lầm. Cam chịu ư? Không thể nào! "Mẹ! Mẹ không thể cam chịu như thế! Mẹ giải phóng cho mẹ là giải phóng cho chúng con. Ông ấy đã vi phạm pháp luật. Bây giờ người ta không cho bạo hành đâu mẹ ạ". Tôi nói với mẹ rất nhiều lần như thế. Lần nào mắt mẹ cũng đỏ hoe. Mẹ nghĩ ngợi. Và sau đó lại là trận đòn hôm nay.

 Tôi mơ về cái ngày xưa, khi gia đình tôi còn hạnh phúc. Bố tôi ăn nên làm ra. Anh em tôi được du lịch đây đó. Mẹ tôi lúc nào cũng tươi trẻ và chăm lo cho gia đình chu đáo. Thế mà từ ngày bố tôi vỡ nợ...Bố bị cướp xe hàng, bị kẻ xấu lừa. Người ta đánh bố một trận nhừ tử rồi quẳng trước ngõ. Thế là từ ngày đó bố đổ tội cho mẹ, cho chúng tôi. Bố không còn tin có pháp luật. "Pháp luật có, làm gì có chuyện ông bị đánh, bị cướp trắng trợn như thế! Ông cóc sợ pháp luật!". Tôi biết đó chỉ là lời nói quàng của bố. Màu tội lỗi bố đã gay ra cho mẹ là những vết roi, là đôi mắt tím bầm...Với chúng tôi là một  tuổi thơ đầy nước mắt, là những vết thương lòng không biết bao giờ mới dừng lại. Tôi ớn lạnh với hai chữ "bạo hành". Có lẽ có nhiều kẻ vũ phu vì nhiều nguyên nhân khác nhau, không giống bố tôi, nhưng tất cả họ đều tự cho mình cái quyền ấy - quyền được bạo hành cả về thể xác, tâm hồn những người yêu thương mình, đồng loại của mình...

 Rất nhiều người bị bạo hành, nhưng hầu hết họ đều không tự giải thoát cho mình

 Tôi đã vô tình đọc được những dòng tâm sự ấy trên một blog tâm sự. Tôi biết rằng, câu chuyện đẫm nước mắt của cậu ấy chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện bạo hành đang từng ngày từng giờ diễn ra, ẩn dưới những vỏ bọc tinh vi mà chúng ta chưa phát giác được. Tôi không phải người tò mò thích xâm phạm đời tư người khác, nhưng tôi muốn một lần nữa, gửi lại câu chuyện của cậu ấy lên đây, để cho các bạn cùng đọc, hiểu và lên tiếng đấu tranh chống lại bạo hành gia đình. Có lẽ, nếu cho cậu ấy cũng như nhiều người vợ, người con khác bị bạo hành, một cơ hội được chọn, thì chắc chắn một điều, không ai muốn sống trong sự bạo hành như thế! 

Người phụ nữ bị bạo lực dưới tay những kẻ nát rượu 

Nạn bạo hành trẻ em đã trở thành vấn nạn của xã hội

 Vậy, bạn sẽ nói gì trước bạo hành? Đã bao giờ bạn bị bạo hành chưa? Bạn hiểu bạo hành là gì? Trả lời được câu hỏi đó, bạn sẽ có thể dũng cảm lên tiếng về nạn bạo hành gia đình ngày nay. Còn người mẹ trong câu chuyện trên, sẽ ra tòa giải phóng cho những đứa con, hay tiếp tục để trang nhật kí ấy chan hòa nước mắt? Phần kết của câu chuyện, xin để tất cả chúng ta cùng viết tiếp...

 

Tác giả: Phương Định