Kì thi Học sinh giỏi Quốc gia cam go và khốc liệt ngay từ những vòng tuyển chọn đầu tiên. Xuất sắc vượt qua những học sinh ưu tú trong toàn tỉnh, 100% những gương mặt của đội tuyển Quốc gia đều là học sinh THPT Chuyên Nguyễn Trãi, đặc biệt khi lần đầu tiên có tới 40 bạn học sinh khối 11 trong tổng số 98 học sinh thuộc 11 đội tuyển.

 

Bạn có thắc mắc về học đội tuyển Quốc gia, cùng theo chân phóng viên NMC và lắng nghe các bạn ấy nghĩ gì nhé!

 

Trong số đầu tiên của “Humans tiềm năng đội tuyển quốc gia”, các bạn sẽ được gặp gỡ hai cô gái và một chàng trai thuộc các đội tuyển môn Xã hội, họ suy nghĩ gì khi vinh dự mang trên mình nhiệm vụ quan trọng này?

 

1. Nguyễn Thị Thanh Thư – Đội tuyển Ngữ văn

 

Đến phòng học đội tuyển, thành viên NMC chúng mình đã được gặp gỡ và trò chuyện cùng Thanh Thư – 1 trong 8 học sinh sáng giá tham dự kì thi học sinh giỏi quốc gia môn Ngữ Văn, và được chia sẻ nhiều điều vô cùng bất ngờ và thú vị!

 

IMG_6096[1].JPG

    

“...bản thân học đội tuyển đã là một kỉ niệm đẹp khó quên.”-Chia sẻ của cô gái vàng đội tuyển văn quốc gia

- Thư ơi, khi vào đội tuyển, lịch học, thời gian biểu thay đổi, cuộc sống của bạn có bị đảo lộn nhiều không?

- Tất nhiên sẽ có sự xáo trộn rồi. Như bạn thấy đó, Chí Phèo tha hóa thì sẽ phải mất 7,8 năm nhưng khi học đổi tuyển thì chỉ cần hai tháng rưỡi là đủ thay đổi nhiều lắm rồi. Mình nói vui vậy thôi, sự thật thì thời gian học các buổi sáng, chiều, tối sẽ bị đảo ngược lại. Buổi sáng có thể 8h mình mới phải đến trường nhưng đêm qua thì mình đã thức đến 1,2h sáng. Thời gian đầu và cả sau khi kết thúc các bạn có thể không thích ứng kịp và bị mất cân bằng. Nhưng mình đã trải qua từ đợt học vượt cấp năm ngoái nên năm nay cũng chuẩn bị tinh thần từ trước, cũng chưa gặp trở ngại gì lớn.

- Động lực nào giúp bạn học tập, ôn luyện để đạt được mục đích cao nhất?

- Nói về động lực thì trước tiên mình phải có một niềm đam mê thực sự với môn học đã. Còn khi vào đội tuyển, tất cả mọi người từ nhà trường, thầy cô, gia đình, bạn bè đều sẽ là nguồn động lực to lớn với mình. Nhà trường sẽ tạo mọi điều kiện tốt nhất, thầy cô tận tình chỉ dạy, rèn luyện, bố mẹ động viên, chăm sóc từng chút một và cả tiếng cười có được trong thời gian học cùng 7 bạn còn lại nữa cũng sẽ là những giây phút thư giãn cho bản thân.

 - Bạn có cảm thấy tiếc nuối thời gian không thể cùng bạn bè trong lớp tạo những kỉ niệm cuối của cấp ba, có lẽ cũng là những kỉ niệm cuối cùng của đời học sinh để thay vào thời gian ôn luyện đội tuyển không?

 - Không, đấy không phải là điều đáng tiếc đâu! Mình nghĩ bản thân học đội tuyển đã là một kỉ niệm đẹp khó quên rồi. Tất cả những học sinh học đội tuyển vừa ra trường đều cảm thấy tiếc nuối về quãng thời gian mà mình được học, với những kỉ niệm đẹp bên thầy cô và các bạn ngồi đây, vô cùng thân thiết. Đặc biệt khi nhìn lại sẽ cảm thấy vô cùng tự hào về bản thân trong thời gian này đã cố gắng hết mình, cố gắng nhiều nhất trong 12 năm học. Mà nó cũng chỉ có hai tháng rưỡi thôi, sau đó còn rất nhiều thời gian để mình trở về lớp và bên cạnh bạn bè mà!

- Mình có nghe nói bạn rất thích đọc sách và đã bỏ ra một số tiền rất lớn để mua sách. Bạn có thể chia sẻ về sở thích này không? Và nó đã tác động như thế nào đến việc học văn của bạn?

- Thực ra, so đọc sách với học văn, mình thích im lặng làm một người đọc sách đến thông hiểu thế giới hơn. Nhưng nhìn chung, việc đọc sách cũng giúp rất nhiều tới việc học văn, như có thể mở rộng dẫn chứng, đọc nhiều thì biết nhiều , hiểu nhiều, thấu đáo hơn ấy. Mà càng thông hiểu thế giới, càng có ích cho cả việc học và quan trọng hơn là tương lai mình sau này. Mà đơn giản với mình, cũng không cần lợi ích, đọc sách là một cái thú  “tao nhã”, vậy thôi!

- Cuối cùng là một câu hỏi mà nhiều bạn cũng tò mò và rất muốn Thư chia sẻ về phương pháp học tập, rèn luyện hiệu quả của bạn.

- Người ta nói rằng “đừng nghe những người thành công nói”.Mình thấy việc chia sẻ phương pháp này cũng không khả thi lắm. Cũng như mình đọc sách về selfhelp cũng thấy không hữu dụng cho mình. Vậy nên một lời khuyên chân thành là hãy tự hiểu bản thân, áp dụng và thay đổi các phương pháp phù hợp cho mình.

Cảm ơn Thư rất nhiều về những chia sẻ chân thực và thú vị của bạn! Chúc bạn luôn có một sức khỏe thật tốt, giữ vững tinh thần thật thoải mái để có thể ôn luyện tốt nhất cho kì thi, đạt được kết quả cao nhất để hai tháng rưỡi này sẽ đúng là dấu ấn hoàn hảo khó phai trong cuộc đời học sinh của bạn.

 

2. Nguyễn Hương Giang – Đội tuyển Địa lí

 

- Bạn có thể cho chúng mình biết trong thời gian học đội tuyển vừa qua thì bạn thích nhất điều gì?

- Mình thích nhất là được ăn nhiều và được giao lưu với nhiều bạn mới. Trước, mình cứ nghĩ học đội tuyển sẽ sụt cân do cường độ học nặng ai ngờ học được một tuần đã tăng 2 cân, còn quen được các bạn ở Lâm Đồng nữa. Gặp rồi mới biết người Lâm Đồng đáng yêu và hoạt bát thế nào. Bạn Như Hân mới một ngày đã hòa nhập vào đội tuyển Địa rồi.

 

IMG_6185[1].JPG

- Học trong đội tuyển không có con trai bạn thấy điều gì thú vị và điều gì khó khăn?

- Đội địa là đội duy nhất không có con trai nhỉ? Thú vị là cùng giới nên cả đội rất nhây, thoải mái không kiêng nể như chị em trong nhà. Mọi người có cùng sở thích, tính cách nên rất hiểu nhau.

- Bọn tớ chỉ thấy hơi thiệt thòi 1 chút vào mấy ngày lễ như 20/10, 8/3 chị em phải tự tổ chức cho nhau vì không có con trai. Mà mấy việc nặng nhọc thì không đùn đẩy cho con trai được.

- Các bạn 11 Địa chia sẻ, Giang không chỉ học giỏi mà còn hát xẩm rất hay. Bạn có thể chia sẻ một chút về loại hình nghệ thuật này được không?

- Mình cảm thấy mình hát chèo hay hơn hát xẩm. Mà xẩm, chèo hay ca trù đều khá là khó hát và kén người nghe, đặc biệt là tuổi bọn mình ít ai nghe được lắm. Chắc tại bản thân mình sống trong môi trường ca nhạc cổ truyền của gia đình nên khá là dễ chịu với các loại nhạc truyền thống.

 

3. Trọng Tấn – Đội tuyển Sử

 

- Anh nghĩ sao về câu nói: “ Sử chỉ có học thuộc cần gì tư duy ”?

- À thì anh cũng nghe rất nhiều người nói như vậy, nhưng theo anh thì quan điểm trên là sai lầm. Vì đúng chất lịch sử là phải học thuộc, phải cần nhiều thời gian để thấm, nắm kiến thức cơ bản cần nhớ nhưng nó chỉ dành cho học sinh ở mức độ trung bình, bình thường. Nếu ví dụ chỉ học thuộc không thì sẽ nắm kiến thức một cách rời rạc, không tìm ra được sự liên kết giữa các sự kiện lịch sử với nhau. Khi làm những dạng đề khó, cần có tư duy lịch sử để tìm ra bản chất, mối liên hệ giữa các vấn đề. Đây chính là điều thú vị nhất mà môn lịch sử đem lại và điều khác biệt căn bản giữa học sinh trường ngoài và học sinh chuyên Sử - những người đam mê và thực sự có tố chất về bộ môn này.

 

- Học một lớp chuyên với đa số là bạn nữ, anh cảm thấy có những điều thú vị và khó khăn như thế nào?

- Học một lớp chuyên nhiều con gái anh thấy hoàn toàn không có khó khăn gì ngược lại còn có rất nhiều điều thú vị. Anh không biết con gái khối khác thế nào, chứ gái khối Sử tuy nhiều lúc hơi đanh đá một chút nhưng sống rất tình cảm và đoàn kết, luôn tạo ra không khí vui vẻ, mang lại tiếng cười cho bọn anh. Hơn hết, đặc điểm của con gái là trình bày sạch sẽ, gọn gàng và viết chữ rất đẹp. Điều này giúp bọn anh có thể học tập được nhiều kinh nghiệm và cùng nhau đi lên.

 

 

- Học tập một bộ môn cần sự kiên trì rất lớn, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm học tập của mình hay không?

 

- Kinh nghiệm thì anh cũng chả có gì nhiều, anh nghĩ việc đầu tiên chính là chăm chỉ, học bài mỗi ngày, nắm vững kiến thức cơ bản. Bên cạnh đó phải tạo ra cảm hứng riêng cho mình qua một số phương pháp học tập như là: sơ đồ tư duy, học theo ý chính, từ khóa.. Hoặc phải có động lực và ước mơ riêng cho bản thân để phấn đấu. Vì anh nghĩ, chỉ khi có đam mê và động lực, con người ta mới biết được mình muốn gì và mình cần phải làm thế nào? Nói tóm lại, kinh nghiệm mà anh luôn mang trong mình ấy là sự kiên trì và chăm chỉ, mỗi ngày hãy bỏ ra 5’ cho đam mê của mình thì bạn nhất định sẽ trở thành thiên tài.

 

Những chia sẻ của các bạn học sinh thuộc đội tuyển Quốc gia không chỉ chân thành mà con rất hữu ích. Cùng chúng cho các bạn ấy học tập hiệu quả và đón học số tiếp theo của “Humans tiềm năng đội tuyển Quốc gia” nhé!

 

 

 

Tác giả: Phóng viên NMC