Tôi viết những dòng này khi đang trong guồng quay của những mớ lộn xộn cuối cấp. Như những dòng tâm sự của một chiếc lá già sắp rụng. Và mười tám tôi ơi, đã đến lúc rời…

Tôi bước vào trường một ngày nắng hạ oi ả. Chẳng có gì đặc biệt ngoài những ô gạch vàng được nắng đượm thêm chút hoài chút niệm. Chẳng có gì đặc biệt ngoài hàng ghế đá đã nhuốm màu thời gian. Chẳng còn gì đặc biệt ngoài chiếc loa đã sờn đã cũ. Nhớ năm lớp 10, sau một mùa đông dài dằng dặc lạnh buốt giá, sau mùa xuân chẳng mấy mưa ngâu thì cuối cùng mùa hè cũng về. Là khi hàng bằng lăng trước của nhà C vang lên những khúc ca đồng vọng. Tiếng ve.

 

“Những chiếc giỏ xe chở đầy hoa phượng

Em chở mùa hè của tôi đi đâu

Về miền xa, về những miền chôn giấu

Về những đâu, hay trong những cơn sầu…”

 

Kỉ niệm của tôi, em đã chở đi đâu mất rồi?

Em ơi, tôi có em ở cái lứa đẹp nhất cuộc đời. Tôi có em từ ngày biết rằng mình đã đỗ Nguyễn Trãi. Rồi bước đầu tiên chạm vào mái trường này, lần đầu tiên được ngồi vào những chiếc bàn thơm mùi cỏ lá cây và mặc trên mình bộ đồng phục phải đánh đổi rất nhiều mới có được. Thì tôi biết, những tháng ngày tôi có em bắt đầu đến rồi. Nhưng tôi chưa có biết, em trôi qua tôi, rất vội...

 

Thoắt một cái, bộ đồng phục đã cùng em theo tôi suốt 3 năm dằng dặc…

 

Em ơi, là đợt 26/3 lớp 10, tôi cùng em chạy dọc cả trường khản giọng bán hàng với bộ quần áo nhướm mồ hôi. Khi ấy, em đã đánh nhẹ lên vai tôi thật khẽ. Tôi xuề xòa cho qua như những người rất trẻ. Em thì thầm cùng tôi rằng, em nhớ cái ngày chúng mình cùng nhau ngồi trên chiếc bàn đầy bụi sau hè, chúng mình cùng nhau cười khi nhận đồng phục. Chúng mình cùng nhau hát trên bậc thềm nhà đa năng. Và tối hôm ấy, khi cả trường náo nức vui chơi, thì mình tôi và em một góc nhà đa năng, trên những bậc đá lạnh giữa tối hè hơi oi bức, cùng nhìn lên trời. Trăng hôm ấy sao mà sáng thế. Cái ảnh sáng mát lành ấy chiếu lên mái tóc em óng ả. Cái ánh sáng mát lành ấy chiếu sáng cả 3 cột cờ đằng xa. Như được tách khỏi thế giới, tôi và em đã ngân lên những khúc ca vời vợi.

“Dưới ánh trăng vàng như có anh và nàng. Như cả thế gian…”

 

Hành lang vẫn dài, vẫn rộng…

 

Em có còn nhớ, khai giảng lớp 11? Khi mà cả trường mình đẹp đến thế. Khi mà tất cả đều được ngồi dưới một cái bạt rộng. Em đùa với tôi chúng mình đang đi xem xiếc. Rồi em và tôi đã chơi những trò hết sức trẻ con. Là trượt trên những bậc cầu thang chẳng mấy mịn màng, bẩn cả chiếc quần đồng phục đã sờn cùng thời gian, là trèo lên những ô cửa chẳng mấy sạch sẽ, là hét vào chiếc quạt chẳng mấy vui vẻ vì phải quay suốt ngày chống lại cái nóng mùa hè. Và em, lại một lần nữa, đánh tôi một cái thật nhẹ. Tôi xuề xòa cho qua, như những người rất trẻ.

Nhưng sao năm nay, em chẳng đánh tôi thật khẽ?

 

Mọi thứ của 18 thật khác….

 

Là khai giảng ngồi trong nhà đa năng oi bức. Là đợt 26/3 chỉ biết đi mua hàng dưới tiết trời nóng nực. Là những trò trẻ con mà với tâm thức của một đứa lớp 12, tôi vẫn còn chơi. Nhảy lên vặt những cánh hoa phượng cao vời cao vợi. Vẫn là chạy thật nhanh từ nhà xe lên tầng 4 để tránh đi học muộn. Vẫn là những buổi trưa oi hè chỉ đợi nghe tiếng trống vang lên từ phía căn phòng nhỏ cạnh cổng. Vẫn là tiếng quét lá xào xạc của bác lao công. Vẫn là những âm thanh ồn ào của lũ bàn trước. Vẫn là tiếng giảng đều đều của thầy. Vẫn là tiếng ve vang lên thật nhẹ. Và vẫn là em, nhưng trông em buồn lắm. Em nói với tôi thật khẽ, rằng, em muốn đi đâu đó thật khác…

Lấy hết can đảm, tôi đỡ em lên nóc nhà D, nhìn Nguyễn Trãi ở một góc trời rộng.  Không còn là háo hức nhộn nhịp như năm lớp 10, không vui tươi như năm ngoái. Dưới cái ánh nắng vàng đến buồn trải lên hành lang dài rộng, khi mà những cơn gió chẳng còn mơn man như trước. Khi mà những cánh phượng bắt đầu thắm đỏ, khi mà tiếng ve bắt đầu vang lên. Thì em, và tôi, đã cùng nhau ngồi khóc.  Khóc to đến lấn cả tiếng ve…

Rồi bỗng nhiên, em hát:

“There is the place where I don’t feel alone

There is the place where I feel at home…”

Giọng hát cùng tiếng nước mắt rơi thấm vào lòng tôi, như những khúc rung động đến từ khoảng trời rất gần nào đó mà tôi chẳng hề biết. Em đã ngân lên những khúc ca trong video của Hoài niệm màu be. Bàng hoàng, sững sờ. Tôi chỉ biết khóc to hơn. Cái khoảng trời rất gần ấy, lại chính là khoảng trời rất xa…

Em ơi, sao đời người trôi qua thật vội. Khi mà em đã ở cùng tôi, từ Mười lăm, đến Mười tám rồi…

 

 

 

Nguyễn Trãi, vào những ngày nắng vội…

 

3 năm, tôi sẽ chẳng kể xiết được bao nhiêu kỉ niệm ta đã cùng trải qua. Bao nhiêu vui buồn, những khoảnh khắc cảm xúc rất riêng, mà chỉ những người may mắn có được em, như tôi mới cảm nhận được. Là tiếng cô bước chân ra khỏi lớp thật nhẹ. Là tiếng cái cổng sắt đóng vào, thật khẽ. Và đó là kết thúc, của những thứ thân thuộc. Cô hằng ngày vẫn bước vào lớp, chiếc cổng hằng ngày vẫn mở ra. Như em và tôi, hằng ngày có nhau, trong khoảnh khắc của Mười lăm, đến Mười tám. Và đã đến lúc, tôi nhận thức được rằng, tôi sẽ phải xa em, thật rồi.

Tôi bắt đầu trở nên mụ mị hơn. Hay thẩn thơ đi dạo cả trường mà chả có mục đích. Hay ngồi cùng em ở hàng ghế đá nhà A. Lên thư viện chẳng để học mà ngắm mọi người đang lao đầu vào sách vở. Nghe tiếng cô giảng thật êm tai, dù đó là những tiếng khiến đã tôi buồn ngủ nhất. Mọi khoảnh khắc, tôi đang cố tua chậm lại, nhưng không được. Nó vẫn trôi qua rất nhanh mà thôi… Như em, đang trôi qua đời tôi rất vội. Vì mai hay ngày kia thôi, là tôi đã phải mất em rồi.

 

Hóa ra, từ nhà này sang nhà kia, cũng chỉ mất 3 năm…

 

Cảm ơn em vì đã bên tôi suốt khoảng thời gian, từ Mười lăm đến Mười tám kia. Em à, rồi hè sẽ trôi qua, rồi tiếng ve cũng hết, rồi phượng cũng đến lúc tàn. Như em, rồi cũng phải rời xa tôi.

Em ơi, em đừng khóc, khi mà tất cả đó đã trở thành quy luật. Chỉ là do tôi, đã không biết trân trọng em sớm hơn mà thôi. Mười tám của tôi ơi, đã đến lúc rời…

Dưới mái trường Nguyễn Trãi này, dưới những bộ bàn ghế đã thơm mùi cỏ lá cây, dưới khoảng trời mây xanh đắp đầy, em hãy hứa với tôi rằng, em sẽ mãi ở lại Nguyễn Trãi nhé. Như nước ở đâu rồi cũng sẽ chảy về nguồn cội, như tôi, sẽ có ngày về gặp em. Em hãy cứ ở lại đây, ở những thứ mà chúng ta đã thân quen nhất. Tôi sẽ cố phá vỡ quy luật quên – mất của thời gian, để khi trở về, chúng ta lại có nhau như những ngày chúng ta đã từng có đôi.

 

 

Và tôi tin, với một niềm tin mãnh liệt, Mười tám của tôi ơi, ta sẽ gặp lại nhau ở chính chuyên Nguyễn Trãi này.

Gửi em, Mười tám, của tôi…

Em ở nơi đâu, chở thanh xuân của tôi đi theo với?

Như Phạm Tuân, cao vời cao vợi

Còn tôi đứng đợi

Nhưng sẽ chẳng chơi vơi

Vì có em, trong tim, suốt cả cuộc đời.

 

 

Nguồn ảnh: Nguyễn Trãi Channel

Room Media

Internet

 

Tác giả: Vĩnh Tiến